Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ trương đúng, cần giải pháp trúng

Chí Kiên| 28/04/2017 06:45

(HNM) - Ngày 9-9-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/2015/QĐ-TTg về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm triển khai, kết quả cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng ATTP ở 2 địa phương có chuyển biến rõ rệt.


Trong đó, cái được lớn nhất là nhận thức, ý thức và trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân đã thay đổi, chuyển từ đối phó sang tự giác thực hiện. Nhờ vậy, tình trạng xử lý vi phạm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” lâu nay dần được khắc phục. Tuy nhiên, thời gian thí điểm thực hiện mô hình này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, nổi lên là lực lượng cán bộ chuyên trách vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn. Ở cấp xã, cán bộ chủ yếu vẫn kiêm nhiệm. Chưa kể, "khâu tổ chức" nhân sự có nhiều bất cập...

Đâu là “lời giải” cho bài toán này?

Chưa khi nào việc “ăn gì, uống gì” lại nóng bỏng như hiện nay. Vấn đề ATTP "sốt xình xịch" từ... mâm cơm hằng ngày của người dân đến nghị trường các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp, nghị trường Quốc hội. Theo Luật An toàn thực phẩm, công tác này được giao cho 3 bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương và theo yêu cầu của Chính phủ, một trong những điểm đáng chú ý là không tăng biên chế. Một vấn đề nữa đặt ra là Luật An toàn thực phẩm quy định thanh tra ATTP do thanh tra chuyên ngành thực hiện. Luật Thanh tra ban hành sau đó lại quy định không thành lập các cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập mà chỉ có thanh tra y tế chung. Thực tế này dẫn đến việc xử lý vi phạm ATTP, nhất là ở tuyến cơ sở xã, phường gặp rất nhiều khó khăn.

Rõ ràng, hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm vệ sinh ATTP chuyên trách mới có ở cấp tỉnh mà chưa có ở cấp cơ sở đã đặt ra nhiều vấn đề. Trong khi đó, đặc thù sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ và chủ yếu nằm ở cơ sở. Như vậy, tuyến quận, huyện, xã, phường là nơi sát nhất với các cơ sở này, lẽ ra phải có lực lượng thanh tra thì lại bị “bỏ trống”. Vì thế, phải khẳng định việc Bộ Y tế tiếp tục đề xuất Chính phủ cho phép mở rộng thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP là cần thiết, để từng bước đưa hoạt động này đi vào nền nếp, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa.

Trước hết, Bộ Y tế cùng các địa phương từ "cái nhìn cụ thể", cần đưa ra đề xuất để từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định cho phù hợp với thực tiễn. Một trong những vướng mắc cần giải quyết là yếu tố con người. Trong đó, đội ngũ cán bộ cần tiếp tục được cơ cấu lại, bảo đảm đầy đủ về số lượng và được bồi dưỡng, rèn luyện tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp.

Thêm nữa, lực lượng này phải được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị. Không có phương tiện đầy đủ, không có thiết bị hiện đại, việc chỉ kiểm tra bằng cảm quan, cảm tính như "sờ, ngửi, nếm..." khó mang lại hiệu quả như chính đội ngũ cán bộ, thanh tra ATTP than phiền bấy lâu nay. Dù vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là xử lý nghiêm mọi vi phạm. Bởi lẽ, khi còn hiện tượng "thỏa hiệp", "bắt tay" với sai phạm thì không định biên nào (dù chuyên trách, kiêm nhiệm hay hợp đồng) có thể bao quát xuể.

Một chủ trương đúng cần có những giải pháp trúng kèm theo. Chỉ khi đó, chủ trương ấy mới mang lại hiệu quả bền vững, để người dân yên tâm với bữa ăn của mình, dù là ở gia đình hay tại nhà hàng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ trương đúng, cần giải pháp trúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.