Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến trình cần sự song hành

Tuấn Kiệt| 29/04/2017 06:46

(HNM) - Thuế và hải quan trước đây vốn là những lĩnh vực có thủ tục nặng nề, nhiều vướng mắc nhất với doanh nghiệp. Nhưng cũng dễ thấy, gần đây hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực này đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp,


Vậy nhưng, kết quả đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan năm 2016 dựa trên sự hài lòng của doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Hải quan công bố ngày 26-4 vẫn cho thấy một số điểm đáng lo ngại. Đó là tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả phí "bôi trơn" khi thực hiện thủ tục hải quan là 31%. Ngay cả khi không phải chi khoản phí này thì cũng có tới 17% doanh nghiệp phàn nàn bị phân biệt đối xử, đặc biệt là tình trạng kéo dài thời gian thực hiện thủ tục. Điều này cho thấy những kết quả thực tế đạt được vẫn còn một khoảng cách xa so với kỳ vọng.

Thực tế phải thừa nhận sự cải thiện trong thủ tục thuế, hải quan hiện nay đã tích cực hơn nhiều. Có những thủ tục hành chính mà trước đây doanh nghiệp thường phải mất nhiều ngày, nay chỉ gói gọn trong một ngày. Trước đây, một bộ hồ sơ phải qua từ 3 đến 5 bộ phận xử lý, thì nay chỉ có một người tiếp nhận và làm việc với các bộ phận khác để giải quyết. Đây là động thái tích cực tạo niềm tin với doanh nghiệp. Về cơ bản, doanh nghiệp cảm nhận được sự hỗ trợ rõ ràng trong quá trình làm thủ tục, từ khâu tư vấn đến giải đáp vướng mắc; nhiều thủ tục thực hiện nhanh chóng, thuận lợi.

Có thể thấy các cơ quan thuế, hải quan đã rất nỗ lực, nhưng thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Cũng chẳng phải vì doanh nghiệp đòi hỏi thái quá. Cái chính là sự cố gắng của cơ quan thuế, hải quan còn chưa đạt ngưỡng, cần có sự nỗ lực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính; quan tâm đúng mức đến nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, tạo dựng hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhu cầu bức thiết hiện nay của doanh nghiệp không gì khác chính là sự công khai, minh bạch thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sự hài lòng. Ngành Hải quan phải xây dựng được hệ thống tra cứu dữ liệu trực tuyến theo mặt hàng xuất khẩu, tổng hợp tất cả các yêu cầu về thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành và liên tục được cập nhật theo các văn bản luật mới. Ngay cả việc tổ chức giám định cũng nên có sự tách rời, độc lập với cơ quan hải quan để bảo đảm tính khách quan.

Dù bằng cách nào, cơ quan thuế, hải quan phải có đủ dữ liệu để đánh giá được các yếu tố: Thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; công tác quản lý thuế; công tác kiểm tra sau thông quan; xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại; mức độ chuyên nghiệp, liêm chính của công chức trong thực thi nhiệm vụ; và cuối cùng là mức độ cảm nhận của khách hàng về chất lượng hoạt động .

Tất nhiên, mọi quá trình cải cách đều cần nỗ lực từ hai phía. Tức là chỉ cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực thôi chưa đủ, mà còn đòi hỏi có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, phản ánh ngay với cơ quan quản lý về khó khăn, vướng mắc, cũng như hiến kế xử lý. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cần gương mẫu, minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục, tuân thủ pháp luật; phải coi xây dựng cộng đồng doanh nghiệp liêm chính là một ưu tiên hàng đầu của quá trình cải cách.

Nói cách khác, tiến trình cải cách là hành trình cần sự song hành của cả hai bên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến trình cần sự song hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.