Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những chính sách thiết thực

Minh Thúy| 01/05/2017 07:18

(HNM) - Đời sống công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) thiếu thốn trăm bề là thực trạng tồn tại đã lâu. Chỉ thị số 52-CT/TƯ ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất cũng chỉ rõ:


Công nhân chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phụ trợ, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ công nhân KCN chưa được đầu tư thỏa đáng.

Sự khó khăn về vật chất, thiếu thốn về tinh thần của công nhân thực sự là những dấu lặng khi đồng lương của anh, chị, em lao động hiện chỉ đáp ứng khoảng 70-80% mức sống tối thiểu. Hà Nội tuy là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu nhà ở cho công nhân… Chưa kể, người lao động còn phải đối mặt với việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm và chấm dứt hợp đồng lao động khi vẫn đang ở độ tuổi không còn trẻ mà cũng chưa hẳn đã già…

Chăm lo đời sống công nhân vì thế đang là đòi hỏi cấp thiết, đặc biệt về vấn đề nơi ăn, chốn ở, đời sống văn hóa và tinh thần. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu các ngành chức năng phải vào cuộc tích cực hơn nữa để cải thiện cuộc sống cho người lao động. Thành phố cũng hướng tới đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu chỗ ở cho công nhân cùng với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng như chợ, trường học…

Trong cuộc đối thoại gần đây giữa Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người lao động và các doanh nghiệp, nhiều vấn đề mang tính “xương sống” liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công nhân như quy hoạch nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa công nhân, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cũng đã được trao đổi và giải đáp, tìm hướng tháo gỡ.

Ngày 24-4 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 94/KH-UBND về “Triển khai công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các KCN trên địa bàn”, ấn định đến năm 2018 sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi, giải trí…, xây dựng thí điểm thiết chế văn hóa tại một số KCN…

Tuy nhiên, để lấp đầy những khoảng trống này trong môi trường công nhân, đưa các chủ trương, chính sách đến gần hơn với cuộc sống người lao động, đòi hỏi phải có sự gắn trách nhiệm cụ thể, sự nhiệt tâm của các cấp ngành. Thực tế, Hà Nội đã có những KCN, KCX xây dựng nhà ở và thiết chế văn hóa dành cho công nhân. Có lẽ, đây cũng là thời điểm để sơ kết, đánh giá, tìm ra những ưu, nhược điểm, sớm khắc phục những hạn chế của mô hình này.

Việc nâng cao chất lượng đời sống cho công nhân chắc chắn cũng sẽ được các doanh nghiệp song hành ủng hộ, nhưng để chủ trương trở thành hiện thực cần phải có chính sách phù hợp. Đặc biệt cần cơ chế về nguồn vốn xây dựng hạ tầng, chính sách về đất đai xây nhà ở cho công nhân; tăng dần ngân sách đầu tư; có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân KCN...

Đã đến lúc việc xây dựng thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân KCN, KCX phải được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đặc biệt là cần phải thiết thực với đời sống công nhân, tương xứng với những cống hiến họ đã đóng góp cho xã hội hôm nay. Có như vậy, mới khuyến khích được người lao động hăng hái làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần những chính sách thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.