Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba "chân kiềng"

Bình Nguyên| 17/05/2017 07:01

(HNM) - Sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, những diễn biến khó lường của khí hậu cũng như đòi hỏi tất yếu của kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, đã tác động lớn tới ngành Nông nghiệp cả nước nói chung, của Thủ đô nói riêng, trong đó điểm


Nếu tiếp tục duy trì mô hình sản xuất cũ - vẫn "xuất thô, bán thành phẩm" mà hệ lụy là hàm lượng giá trị gia tăng rất ít, người làm nông nghiệp sẽ chỉ được hưởng một phần nhỏ trong chuỗi giá trị bởi "lõi" sản phẩm là nông sản Việt nhưng thương hiệu của nước ngoài. Nếu ngành Nông nghiệp không quyết liệt thay đổi phương thức sản xuất, thì hệ lụy thường gặp là "đầu ra" sản phẩm không gặp người tiêu dùng hoặc "cung" vượt "cầu", mà câu chuyện thị trường thịt lợn hơi vừa qua hay việc dưa hấu trước đây bị sụt giá mạnh... còn nguyên trăn trở.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã, đang và sẽ là hướng đi tất yếu. Hướng đi này đang được tạo những điều kiện rất thuận lợi, chẳng hạn tại Hà Nội là việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đạt hiệu quả cao, đồng thời chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nền tảng cho việc hướng đến sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp "sạch". Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát, từng bước tập trung vào sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã bước đầu tạo ra những vùng chuyên canh lớn như trồng cam Canh, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung ở Thanh Oai; vùng chuyên canh hoa, rau an toàn, cây ăn quả ở Mê Linh...

Đến nay, thành phố đã chuyển đổi được hơn 62.000ha, bao gồm hơn 32.000ha lúa chất lượng cao, gần 6.800ha cây ăn quả, khoảng 4.300ha trồng rau an toàn, hơn 3.400ha chăn nuôi xa khu dân cư... Thông qua chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng, Hà Nội có hơn 1.230 trang trại theo tiêu chí mới, gồm 920 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại thủy sản, 120 trang trại tổng hợp và 2.500 mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Trong số này, đã có gần 700 trang trại cho thu nhập từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng/năm; nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa chất lượng cao ở Chương Mỹ, trồng nhãn chín muộn ở Hoài Đức, trồng hoa ly ở Sóc Sơn, Đan Phượng…

Tuy nhiên, hiệu quả từ quá trình này chưa tương xứng với tiềm năng. Sản xuất nông nghiệp, vốn dĩ bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, để phát triển bền vững tất yếu phải tuân theo các tín hiệu thị trường, dựa trên việc ứng dụng một cách hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ. Đó trước hết là việc thực hiện tốt các nhiệm vụ Chương trình 02-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 đặt ra: Đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất giống, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, thâm canh thủy sản; thực hiện khâu đột phá “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao”...

Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn phải tính toán đến những diễn biến bất thường của khí hậu mà Hà Nội là một địa phương chịu ảnh hưởng. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu đột phát trong công nghệ gien, tự động hóa... đặt ra yêu cầu sớm có giải pháp tận dụng, thích ứng, qua đó người nông dân, ngành Nông nghiệp có được những lợi thế tối ưu. Trong mọi trường hợp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi luôn phải bám sát tín hiệu thị trường, bảo đảm cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Khoa học - công nghệ, tình trạng biến đổi khí hậu và các tín hiệu thị trường có thể xem như ba "chân kiềng" của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là như thế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ba "chân kiềng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.