Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu thế tất yếu

Chí Kiên| 24/05/2017 06:52

(HNM) - Thực tế tại Hà Nội và các đô thị khác ở Việt Nam cho thấy, trong khi hạ tầng giao thông và mật độ phương tiện tăng trưởng nhanh chóng thì lại thiếu biện pháp để quản lý hiệu quả, toàn diện. Chính vì vậy, trong quá trình vận hành hệ thống giao thông, nhiều bất cập bộc lộ ngày càng rõ, đòi hỏi phải có phương pháp quản lý mới, góp phần giảm vấn nạn ùn tắc giao thông và những hệ lụy tới đời sống kinh tế, xã hội.


Thời gian qua, tại Hà Nội đã áp dụng một số ứng dụng giao thông thông minh như triển khai trung tâm điều khiển đèn giao thông; lắp đặt các điểm đỗ xe cao tầng; điểm đỗ xe thông minh... Tuy nhiên, các ứng dụng này so với yêu cầu vẫn ở mức khiêm tốn và có mức độ tự động hóa chưa cao nếu đối chiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ giao thông thông minh. Nói cách khác, các ứng dụng mới dừng ở mức riêng lẻ, chưa hỗ trợ lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị. Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu chưa được khai thác một cách hiệu quả nhất. Một thực trạng nữa là người tham gia giao thông phần lớn vẫn sử dụng xe máy, rất khó để tiếp cận thông tin về tình hình giao thông trực tuyến khi lưu thông.

Với quyết tâm xây dựng thành phố thông minh và an toàn thì vấn đề phát triển giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giao thông là yêu cầu khách quan, không thể trì hoãn. Đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Vậy, Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn ở Việt Nam nói chung phải làm gì để ứng dụng giao thông thông minh hiệu quả, an toàn?

Điều quan trọng nhất là phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước khi nghĩ đến giao thông thông minh. Muốn vậy, công nghệ thông tin phải luôn đi liền với phương tiện và hạ tầng, nếu tách riêng và tạo ra những thành phố thông minh trong khi hạ tầng quá yếu kém, hiệu quả sẽ thấp. Cùng với đó là phải bảo đảm tính tương thích, tương xứng giữa công nghệ và cơ sở hạ tầng, mới có thể phát huy được tối đa những lợi ích mà một hệ thống giao thông thông minh có thể tạo ra.

Một vấn đề khác cần làm là căn cứ vào đặc thù của từng đô thị để triển khai ứng dụng giao thông thông minh, tối ưu công tác quản lý, trong đó lưu ý đến chủng loại phương tiện và ý thức người dân, hạ tầng, công nghệ… Cần chú trọng phát triển công nghệ thu thập thông tin từ phương tiện vận hành trên đường để có cơ sở phân tích xử lý và tối ưu dữ liệu đó. Song song với đó là phát triển các thiết bị kết nối trên đường và trung tâm chỉ huy tập trung để kết nối quản lý các hệ thống điều khiển giao thông trong khu vực.

Ngoài các tiêu chí trên, mô hình giao thông thông minh phải bảo đảm kết nối tốt nhất giữa các đối tượng: Người sử dụng, phương tiện và hạ tầng. Trong đó, chú trọng đến chuỗi người sử dụng bao gồm nhiều lứa tuổi, trình độ, từ người sử dụng là các nhà quản lý hoạch định chính sách cho đến người dùng cuối là những lái xe trực tiếp trên đường. Ở đây, các nhà quản lý cần tạo ra hệ thống thông tin cho người đi đường, phổ cập văn hóa giao thông và hỗ trợ quá trình khai thác để bảo đảm hoạt động quản lý và kiểm soát giao thông thông suốt.

Điều cuối cùng khi muốn xây dựng thành phố thông minh chính là sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành và người dân đưa các ứng dụng giao thông thông minh khi triển khai vào cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông và cải thiện môi trường.

Giao thông thông minh là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang sầm sập "gõ cửa". Vì thế, nếu không thực hiện, chúng ta sẽ trở nên lạc hậu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu thế tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.