Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài

Đình Hiệp| 31/05/2017 06:48

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại chọn chủ đề “Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia” cho Ngày thế giới không thuốc lá năm nay (31-5). Những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, rồi những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như của từng quốc gia do sử dụng thuốc lá là điều không cần bàn cãi.

Tại Việt Nam, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá năm 2017, được tổ chức từ ngày 25 đến 31-5, nhằm phát đi thông điệp rằng: Thuốc lá là một trong những “thủ phạm” gây ra bệnh tật và đói nghèo!

Không cần nói, chỉ bằng quan sát và thực tế cuộc sống hằng ngày thì ai trong chúng ta cũng nhận thấy những tác hại của thuốc lá đối với người trực tiếp sử dụng và đối với cộng đồng. Thế nhưng, để từ bỏ một “thói quen” có hại này lại không đơn giản với nhiều người. Đây cũng là nguyên do vì sao Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc lá tính chung ở người trưởng thành là 23,8%, khoảng 15,3 triệu người. Hằng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá.

Nghịch lý ở chỗ, dù tổn thất do thuốc lá gây ra chiếm tới gần 1% GDP mỗi năm, nhưng Việt Nam lại là một trong những quốc gia mà việc mua - bán thuốc lá dễ dàng và công khai ở mọi lúc, mọi nơi. Sự buông lỏng quản lý này đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta. Cùng với đó, việc giám sát và xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng chưa nghiêm cũng gây ra những khó khăn cho công tác này.

Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao là do thuế thuốc lá thấp, giá thuốc lá rẻ. Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, hiện nay thuế thuốc lá ở nước ta chiếm 70% giá xuất xưởng, tương đương 42% giá bán lẻ. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới và WHO, để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, thuế trên giá bán lẻ phải chiếm 65-80%. Bên cạnh đó, việc quảng cáo, khuyến mãi và trưng bày tại các điểm bán lẻ thuốc lá diễn ra phổ biến; tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng phức tạp… cũng là nguyên nhân khiến nhiều người chưa từ bỏ được thuốc lá.

Để góp phần kéo giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 36/BCĐ 389/TP-CQTT đề nghị sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Theo đó, các lực lượng gồm công an, quản lý thị trường, hải quan thường xuyên trao đổi thông tin, mở các đợt cao điểm về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, quy định của Nhà nước về việc cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá ngoại, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Xây dựng môi trường không khói thuốc lá là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của toàn xã hội, không chỉ để bảo vệ sức khỏe chính mình, những người xung quanh mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống. Vì thế, một trong những giải pháp được đại diện WHO đưa ra là Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá để vừa tăng thu thuế, vừa giảm tỷ lệ người hút thuốc. Nếu không tăng thuế ở mức có thể tác động tới “hầu bao” của người sử dụng, thì nỗ lực giảm tỷ lệ hút thuốc khó thành công.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần thường xuyên thanh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên địa bàn; giám sát việc thi hành các quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi nhập lậu và buôn bán thuốc lá giả, nhái nhãn mác; kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.