Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể là ánh trăng lừa dối...

Nữ Quỳnh| 09/06/2017 06:17

(HNM) - Xin được mượn lời của nhà văn Nam Cao (tác phẩm Trăng sáng - 1943) để đặt vấn đề cho câu chuyện liên quan đến công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay. Từ hơn nửa thế kỷ trước, Nam Cao đã kịch liệt phê phán sự phi hiện thực, khuynh hướng thoát li khỏi đời sống của các xu hướng lãng mạn tiêu cực đương thời.

Ngẫm kỹ, thời nào cũng vậy, hoạt động nghệ thuật nói chung cần phải gắn với đời sống thực tế. Cả người làm nghệ thuật, lẫn người quản lý đều phải nhạy bén, luôn cập nhật những biến đổi của đời sống để nghệ thuật "vị nhân sinh" chứ không "vị nghệ thuật", xa rời cuộc sống.

Trở lại với "những câu chuyện không đáng có" trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật thời gian gần đây, có thể nói là hết sức "sơ đẳng". Chỉ đơn cử một loạt các sai lầm trong việc cấm hoặc cấp phép lưu hành ca khúc cho thấy, một số cán bộ quản lý ngành Văn hóa thiếu kỹ năng nghiệp vụ, không cập nhật kiến thức nền, đặc biệt là sự thờ ơ với thời cuộc. Tuy làm công tác quản lý nhưng lại không bám sát thời sự, thực tế cuộc sống nên mới dẫn đến tình cảnh trớ trêu là sai sót xảy ra, nhưng không được rút kinh nghiệm, dẫn đến sai lầm sau na ná sai lầm trước một cách rất khó hiểu.

Dẫu rằng, các thiếu sót trong quản lý đã được khắc phục, người ra văn bản nhận lỗi trước công luận, nhưng rõ ràng là hệ lụy của sự việc để lại không hề nhỏ. Giá như, những người làm công tác quản lý biết cân nhắc, căn cứ vào tình hình thực tiễn đời sống để ra quyết định phù hợp, sẽ tránh được những bất lợi, thậm chí tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng gây tổn hại cho sự ổn định chung, như trường hợp cấp phép để phổ biến ca khúc... “Tiến quân ca”, đồng thời là bài Quốc ca!

Quản lý nghệ thuật là hoạt động nhằm tập hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các tài năng sáng tạo nghệ thuật của đất nước được phát huy, thăng hoa, đem lại những giá trị văn hóa tinh thần cho nhân dân. Vì vậy mà mục tiêu quản lý không phải là sự cấm đoán. Ngược lại, đó phải là sự mở cửa cho sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của xã hội. Quản lý tức là bảo đảm một trật tự theo đúng chuẩn mực của xã hội, bảo đảm lợi ích cho nhiều người chứ không phải chỉ đáp ứng sự thỏa mãn ý chí chủ quan của một vài người. Người quản lý trước hết phải biết tôn trọng nhu cầu và lợi ích của đông đảo cộng đồng. Muốn vậy, họ phải nắm rõ nội dung, nhiệm vụ quản lý của mình, đó phải là sự mở đường, định hướng cho các đơn vị hoạt động biểu diễn và công chúng, chứ không phải là sự quản lý bằng ý chí chủ quan, là sự thích hay không thích của cá nhân.

Cuối cùng, xin khẳng định rằng, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng "phẳng", sự giao thoa văn hóa cũng như cách thức quản lý đang ngày càng bị tác động đa chiều đòi hỏi cơ quan quản lý cần luôn bám sát, cập nhật để làm sao giữ đúng vai trò "cầm cương". Mỗi quốc gia đều có những đặc thù riêng, đòi hỏi sự quản lý phù hợp với văn hóa, lịch sử, truyền thống cũng như các điều kiện cụ thể khác. Song, dù thế nào thì mẫu số chung cho hoạt động quản lý chính là đưa sản phẩm văn hóa đến cộng đồng phù hợp với điều kiện, tập quán quốc gia, dân tộc.

Quản lý nghệ thuật càng đòi hỏi phải có... nghệ thuật. Đó chính là nghệ thuật quản lý. Cũng như nghệ thuật, nó không thể là "ánh trăng lừa dối", mà luôn đòi hỏi sự chân thực từ cuộc sống, là sự gắn kết, phát triển cùng với văn hóa, truyền thống dân tộc, là sự đồng cảm và đồng hành cùng với hoạt động nghệ thuật và công chúng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể là ánh trăng lừa dối...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.