Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gạn đục, khơi trong

Nữ Quỳnh| 25/06/2017 07:02

(HNM) - “Lễ cưới văn minh” - khái niệm nghe thật mỹ miều và văn hóa, tưởng như ai cũng muốn cưới văn minh, vậy mà thực tế sao khó thực hiện?

Để đánh giá một lễ cưới văn minh, người ta thường so sánh xem nó đơn giản hay xa hoa, bớt được bao nhiêu thủ tục so với truyền thống, thậm chí có người còn so với những đám cưới “không thể đơn giản hơn” của một thời bao cấp. Những thủ tục như chạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới, chia trầu cau, lễ vật, cỗ bàn… được thực hiện như thế nào sẽ được mang ra mổ xẻ, phán xét. Nhưng đánh giá như thế mới chỉ là phần nổi. Bởi điều thực sự đáng để suy ngẫm chính là câu chuyện văn hóa thời đại.

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sự giao thoa về văn hóa đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhiều năm gần đây chúng ta cố gắng nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc, từ các phong tục mang tính cộng đồng, dân tộc như lễ hội, di sản văn hóa đến những phong tục, giá trị cổ truyền trong đời sống như ma chay, cưới hỏi... Nhưng xem ra, các định hướng cũng như kết quả đạt được chưa làm thỏa mãn tất cả mọi người. Chỉ nói riêng trong chuyện cưới, có người ủng hộ đơn giản, tiết kiệm, nhưng có người cho rằng là nhu cầu cuộc sống, là việc cả đời mới có một lần nên không thể giản đơn.

Nói đến đám cưới, là nói đến lớp trẻ - nhóm đối tượng “nhạy cảm” nhất với sự thay đổi của thời đại. Trước sự du nhập của những dạng thức văn hóa mới, khác với truyền thống dân tộc, thì đối tượng dễ ảnh hưởng nhất vẫn là giới trẻ. Trong khi các nhà quản lý cố gắng đặt ra các chuẩn mực, định hướng nếp sống, các ứng xử trong xã hội, thì ở một góc độ nào đó, nhiều nét văn hóa mang bản sắc dân tộc vẫn mai một dần. Lối sống hiện đại len dần vào đời sống của lớp trẻ. Trong đám cưới, cô dâu chú rể không thích mặc trang phục dân tộc, thưa vắng những làn điệu dân ca. Thay vào đó là cách hành lễ kiểu “Tây”, là tiệc tùng xa xỉ... Ở nhiều vùng nông thôn, đám cưới có khi còn biến thành “vũ trường” nhảy nhót thâu đêm...

Sau hơn 10 năm quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Chính phủ được ban hành, nhiều phong trào tổ chức lễ cưới văn minh, tiết kiệm được phát triển, cho thấy những dấu hiệu tốt đẹp. Gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TU (ngày 3-10-2012) của Thành ủy về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thủ đô lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Thế nhưng, những lễ cưới theo hình thức tiệc ngọt, tiệc trà còn ít. Và theo phản ánh từ cán bộ văn hóa cơ sở thì không ít bạn trẻ muốn tổ chức tiệc ngọt cho đầm ấm, giản dị, nhưng gia đình không chấp thuận.

Rõ ràng, muốn việc cưới, hỏi theo nếp sống văn minh đi sâu vào cuộc sống, thiết nghĩ các thiết chế văn hóa đặt ra phải rõ nét hơn, thuyết phục hơn. Đời sống văn hóa là sự “gạn đục, khơi trong”, đào thải cái cũ lạc hậu và dung nạp cái mới cấp tiến. Không phải cứ truyền thống là giản dị, cứ hiện đại mới là văn minh. Xác định rõ truyền thống nào phải gìn giữ, văn hóa hiện đại nào cần phát triển để đạt đến độ văn minh, phù hợp thời đại, tạo nên một làn sóng để người dân có thể vượt qua được “tâm lý” của mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gạn đục, khơi trong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.