Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!

Duy Biên| 28/06/2017 06:20

(HNM) - Người xưa có câu “Nhất thủy, nhì hỏa”, có ý nhắc nhở chúng ta không được chủ quan với hai loại “giặc” này. Thủy - nước được đặt lên hàng đầu, cho thấy từ xa xưa, ý thức về phòng “giặc” nước luôn được ông cha ta coi trọng. Lịch sử đã cho thấy, mỗi khi gặp các sự cố về đê điều, sức tàn phá của nước thường để lại những hậu quả rất lớn.


Với hơn 600km đê chạy qua địa bàn, công tác hộ đê của TP Hà Nội vô cùng quan trọng. Để chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn đê điều, an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa lũ, TP Hà Nội đang tích cực xử lý các sự cố, gia cố hệ thống đê điều. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, công tác hộ đê vẫn chưa được tốt và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ mùa mưa bão năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 47 sự cố đê điều, trong đó có 31 sự cố nghiêm trọng. Thực tế này khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Trong khi dự báo thời tiết năm 2017 sẽ phức tạp, khó lường với nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Nếu các sự cố về đê điều không được xử lý kịp thời, nguy cơ mất an toàn sẽ càng cao.

Để bảo đảm khả năng chống lũ, TP Hà Nội đã giao các đơn vị liên quan đầu tư nhiều dự án gia cố công trình đê điều, xử lý cấp bách sự cố đê điều. Tuy nhiên, dù được nằm trong diện "cấp bách", phải thi công khẩn trương, chất lượng để bảo đảm chống lũ trong mùa mưa bão thì đến thời điểm này vẫn có một số dự án dang dở, chậm trễ hoặc... "nằm trên giấy".

Vậy đâu là nguyên nhân và khắc phục bằng cách nào?

Lý do cơ bản khiến các dự án xử lý cấp bách sự cố đê điều bị chậm tiến độ là do trình tự đầu tư kéo dài. Từ khâu lập hồ sơ, đến phê duyệt dự án phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục nên các dự án mất nhiều thời gian.

Để khắc phục tình trạng này, đối với sự cố đê điều khẩn cấp, có tính cấp bách được cấp có thẩm quyền đồng ý, cơ quan chức năng cần xử lý trước, sau đó hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Thực hiện được như vậy, tiến độ các dự án sẽ rút ngắn, sự cố đê điều sớm được khắc phục. Mặt khác, những sự cố đê điều phải được thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm, trên cơ sở đó đưa ra thời gian xử lý cụ thể mới bảo đảm tính cấp bách, kịp thời để giảm nhẹ thiệt hại.

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến công tác xử lý sự cố về đê điều bị chậm là do thiếu vốn hoặc nguồn vốn chưa được phê duyệt kịp thời. Lâu nay, nhiều địa phương thường trông chờ nguồn vốn từ thành phố “rót” về. Ðể khắc phục tình trạng này, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, chủ động có kế hoạch bố trí, ứng trước vốn, chuẩn bị sẵn sàng nguyên, vật liệu, phương tiện máy móc và nhân lực để thi công trong trường hợp đê xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Cùng với việc kịp thời xử lý sự cố đê điều thì cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần làm tốt công tác dự báo nơi xung yếu, bảo vệ nghiêm ngặt công trình đê điều. Cụ thể, chúng ta có thể phòng ngừa sự cố đê điều từ việc ngăn chặn các vi phạm như xây dựng, xâm phạm đê và hành lang đê, hút cát dưới lòng sông, xe quá tải đi trên đê, chất tải vật liệu xây dựng trên hành lang đê, hành lang sông...

Có thể nói, việc sớm phát hiện và xử lý ngay những ẩn họa, sự cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối đê điều là nhiệm vụ của toàn xã hội. Chính vì vậy, để tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, cơ quan chức năng và các địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác hộ đê, nhất là đẩy nhanh việc xử lý tại những khu vực trọng điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.