Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết trách nhiệm

Minh Thúy| 01/07/2017 06:14

(HNM) - Có lẽ không cần giải thích nhiều thì ai cũng thấy rõ ích lợi của việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế. Về kinh tế, đã có những con số được tính toán cho thấy, hiệu quả của việc này có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.


Nhưng ý nghĩa hơn cả là chủ trương này khi đi vào cuộc sống sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ đo đếm bằng tiền.

Thực tế đây là quyết sách được mong đợi từ lâu, bởi nó đáp ứng nhu cầu của người dân và phù hợp với sự phát triển chung của thế giới. Việc làm này cũng khắc phục được tư tưởng “mạnh ai nấy làm”, để các cơ sở y tế buộc phải quy về một chuẩn mực, cùng chung một “thước đo” chất lượng. Đáng kể hơn, sự lạm dụng xét nghiệm sẽ dần được chế ngự bởi chính các quy chuẩn của ngành Y, xóa bỏ tình trạng người dân phải "chạy theo" các chỉ định xét nghiệm của bệnh viện.

Theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025, đến hết năm 2017 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I và mục tiêu đến năm 2025 sẽ liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, hôm nay (1-7), 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bắt đầu triển khai liên thông kết quả xét nghiệm. Đây là điểm khởi đầu mang lại nhiều hy vọng và niềm tin cho xã hội, nhất là những người bệnh.

Tuy vậy, người dân vẫn chưa hết lo ngại khi mỗi bệnh viện sử dụng hệ thống máy móc và hóa chất xét nghiệm khác nhau. Chưa kể, trình độ y, bác sĩ ở mỗi nơi, mỗi cấp không đồng nhất để bảo đảm mọi kết quả xét nghiệm đều chuẩn xác... Việc liên thông kết quả cũng không thể áp dụng máy móc, cứng nhắc bởi mỗi xét nghiệm thường chỉ có giá trị trong những trường hợp và thời gian nhất định...

Vậy, làm sao để người bệnh yên tâm với chủ trương này? Trước tiên các y, bác sĩ phải nâng cao trách nhiệm, coi kết quả xét nghiệm của bất kỳ cơ sở y tế cũng là khâu cuối cùng trong xét nghiệm. Do vậy, yêu cầu độ chuẩn xác về kết quả xét nghiệm phải được đặt lên hàng đầu vì nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Để làm được điều đó, các cơ sở y tế phải dựa vào các quy chuẩn chung trên cả nước.

Thực tế ở Việt Nam cũng đã xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189 đối với phòng xét nghiệm, nhưng mới có 52 phòng đạt chuẩn. Con số này quá ít, thậm chí không chỉ người dân mà những người trong ngành cũng không biết nên tin vào nơi nào. Do đó, cần phải công khai những phòng xét nghiệm đạt chuẩn, những cơ sở nào được liên thông kết quả và nên khuyến cáo trường hợp nào cần thiết xét nghiệm lại... để người dân lựa chọn khi cần.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách về quản lý chất lượng xét nghiệm y học. Các phòng xét nghiệm đã được đánh giá cần được niêm yết giấy chứng nhận cũng như công khai chất lượng về trang thiết bị, đội ngũ cán bộ…

"Vạn sự khởi đầu nan"! Hy vọng với sự nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ và tăng cường năng lực quản lý chất lượng, ngành Y sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm có hiệu quả, tiến tới thực hiện trên địa bàn cả nước để tiết kiệm chi phí và thời gian cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.