Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lớn về tư duy, bền về kinh tế

Hà An| 06/07/2017 06:44

(HNM) - Có thể hình dung tình cảnh cơ bản của kinh tế nông nghiệp ở nước ta, cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là “sản xuất ồ ạt”, nhưng sau đó thì… cả Nhà nước và nhân dân đều phải loay hoay “giải cứu” nông sản.


Một nền kinh tế nông nghiệp như thế rõ là lãng phí cả sức người, sức của. Nhà nông vất vả đã đành mà Nhà nước cũng mướt mồ hôi không kém… Người sản xuất thì cứ bước tiến, bước lùi mà người tiêu dùng thì băn khoăn: "Cứu" rồi, thế còn "cứu" đến bao giờ, và nhất là làm thế nào để thoát khỏi tình cảnh phải “giải cứu” mà vươn mình lên lớn mạnh?

Không phải là Chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân… không nhận ra những hạn chế này, như tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; chú trọng sản xuất thô, chưa qua tinh chế; thiếu định hướng thị trường…

Tuy nhiên, tìm ra lối thoát đã không dễ mà nỗ lực vượt thoát còn khó hơn!

Rõ ràng, trước tiên phải bám vào đường lối chính sách để gỡ khó dần dần. Chính sách là biểu hiện đầu tiên, rõ nhất về sự đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước trong từng lĩnh vực. Cụ thể, với nông nghiệp, mới đây có Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-6-2017. Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp có 4 nội dung được triển khai ở tất cả các địa phương trong cả nước. Đó là giống cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo lợi thế từng địa phương; phát triển hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với nhiều chủ trương, chính sách khác của Nhà nước, chương trình mục tiêu này phải đến được với nhiều nhà: Nhà quản lý, nhà nông, nhà đầu tư… Bên cạnh đó, người nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý cũng phải tự mình thay đổi nếp nghĩ, nếp quản lý, sản xuất cũ, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Cụ thể, nhà nông, chính quyền địa phương không thể cứ mãi giữ cách hành xử thích là phá vỡ quy hoạch vùng sản xuất, đeo bám lợi ích trước mắt, mà bỏ đi lợi ích lâu dài. Kinh tế tri thức đòi hỏi nền nông nghiệp không chỉ biết lầm lũi “một nắng hai sương”, “cần cù bù thông minh” được nữa, mà còn phải biết áp dụng mạnh khoa học kỹ thuật, kết nối các nguồn lực, trên cơ sở phát huy nông sản thuộc tiềm năng, thế mạnh của mình.

Nhà nước tạo ra đòn bẩy chính sách để các lực lượng này phát huy sức lao động, sức sáng tạo, tạo sự chuyển biến có nền tảng, rõ nét, trên diện rộng. Tuy nhiên, chính sách dù hay đến mấy cũng không bao giờ bao phủ được hết thực tế, vì vậy phải có thêm sự đổi mới tư duy của những người thực thi. Ví như việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cần lắm sự chủ động, linh hoạt trong áp dụng chính sách của các tổ chức tín dụng…

Mới đây nhất, ngày 3-7-2017, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội thảo về sửa đổi, bổ sung Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã rất rõ ràng: Đó là cần tập trung vào đề xuất cơ chế, chính sách, hỗ trợ về môi trường đầu tư, thủ tục; khuyến khích bằng cả cơ chế đất đai, thuế, thậm chí là tiền…

Như vậy, với sự chuyển động của Chính phủ, một lần nữa, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân… phải nắm bắt triệt để, trọn vẹn những đổi mới, bước đi này; bắt đầu từ sự thay đổi về tư duy của bản thân. Thay đổi về tư duy sẽ góp phần thay đổi hành động, từ đó mà từng bước thoát khỏi tình cảnh bị động, tự tin vươn lên.

Lớn về tư duy, bền về kinh tế cũng là ở đấy! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lớn về tư duy, bền về kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.