Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cư dân làm chủ

Minh Thúy| 10/07/2017 06:32

(HNM) - Nhà chung cư tái định cư ở Hà Nội bao năm qua vẫn là câu chuyện dài và buồn. Nỗi ấm ức đeo bám cư dân và trở thành sự ám ảnh với những người đang chuẩn bị dọn về ở chung cư tái định cư...


Không khó để nhận ra, với 173 tòa nhà chung cư tái định cư được đầu tư từ ngân sách thành phố, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được khắc phục. Điển hình là việc chậm thành lập ban quản trị, sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, sử dụng quỹ nhà trái quy định, không sửa chữa, bảo trì thường xuyên. Chưa kể, chất lượng các căn hộ tái định cư vẫn đang đặt ra câu hỏi lớn… Trong khi đó, không ít đơn vị quản lý nhà chung cư tái định cư còn buông lỏng quản lý, chưa làm tròn trách nhiệm; thậm chí còn đổ lỗi cho cơ chế, chính sách mà không có đề xuất sáng tạo để hóa giải khó khăn…

Cơ sở vật chất hạn chế chỉ là một nhẽ. Việc quản lý, vận hành nhà chung cư cũng "rối như tơ vò" suốt thời gian qua. Thực tế, có nhiều nhà chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực nên không có quỹ bảo trì. Trong khi đó, mức thu từ những căn hộ tái định cư thấp, không đủ bù chi nên việc khắc phục hỏng hóc đều trì trệ, ách tắc. Nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư không được đơn vị quản lý công khai, minh bạch nên “cái sảy nảy cái ung”, cư dân càng mất niềm tin…

Vậy, cách nào giải quyết những bất cập, tồn tại này?

Mô hình nhà chung cư tuy không mới, nhưng cách vận hành hiện đã có nhiều thay đổi. Tính tập thể của cư dân trong tòa nhà gắn liền với trách nhiệm và lợi ích chung của cư dân với chính ngôi nhà lớn của họ. Vậy, mấu chốt ở đây là cư dân phải được làm chủ, được quyền tự quyết về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Từ phân tích này cho thấy, ban quản trị tòa nhà thành lập sớm ngày nào, khúc mắc của cư dân sớm được gỡ bỏ ngày đó!

Với đặc thù nhiều nhà chung cư rỗng quỹ bảo trì, thu không đủ chi, UBND thành phố đã tính toán nhiều phương án khả thi. Đó là việc hỗ trợ kinh phí bảo trì theo phương thức hằng năm hoặc một lần với chung cư không có quỹ bảo trì… Tiến tới, thành phố sẽ hạn chế tối đa việc xây nhà tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách, thay vào đó là tạo lập quỹ nhà thương mại bán cho người được tái định cư. Việc quản lý, vận hành các tòa nhà sẽ được thực hiện như đối với các nhà chung cư thương mại hiện nay.

Theo phương thức này, Nhà nước không còn là chủ thể quản lý trực tiếp tòa nhà. Toàn bộ các căn hộ tái định cư trên địa bàn thành phố được thống nhất quản lý theo Luật Nhà ở. Việc quản lý đồng nhất theo quy định của pháp luật sẽ tạo sự rõ ràng, là hành lang pháp lý phân định quyền và trách nhiệm của cư dân và đơn vị quản lý.
Những phương án gỡ rối nhà chung cư tái định cư đã khá rõ nét, nhưng đưa được vào cuộc sống một cách hiệu quả mới là điều quan trọng. Chỉ khi chính quyền sở tại nơi có nhà chung cư tái định cư không còn bàng quan, các đơn vị quản lý nhà chung cư không còn thiếu trách nhiệm và người dân không thờ ơ với chính quyền lợi của mình… thì chất lượng cuộc sống của cư dân mới thật sự đổi thay.

Khi quyền lợi của cư dân được bảo đảm bằng những quyết sách đúng, trúng, hợp lý thì cách nhìn của người dân với nhà chung cư tái định cư sẽ mang màu sắc tích cực!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cư dân làm chủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.