Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vun đắp niềm tin, nhân lên nụ cười!

Bình Nguyên| 12/07/2017 06:16

(HNM) - Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở; nơi trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; giữ vai trò cầu nối gắn bó trực tiếp giữa Đảng với nhân dân...

Sự kiện Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017, “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, Kế hoạch số 51-KH/TU, ngày 5-7-2017, về việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU có ý nghĩa nhiều mặt sâu sắc.

Thực tế những năm qua, bên cạnh mặt tích cực to lớn, chủ đạo, hoạt động và chất lượng tổ chức cơ sở Đảng có nơi, có lúc còn đáng lo nghĩ. Đây là một nguyên nhân làm phát sinh không ít vụ việc phức tạp. Theo thống kê sơ bộ, hơn 70% số vụ việc phức tạp tại cơ sở hiện tập trung ở lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng và giải phóng mặt bằng. Có những việc nếu không giải quyết tốt, sẽ kéo theo mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà tình hình tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) thời gian qua là một điển hình.

Phải khẳng định, xây dựng Đảng nói chung, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng ta, của Thành ủy và cấp ủy các cấp. Vậy đâu là những điểm mới của nghị quyết và kế hoạch triển khai nghị quyết lần này của Thành ủy?

Trước hết, như tên gọi của nghị quyết, đó là gắn xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh với củng cố cơ sở Đảng yếu kém. Thứ hai, đó là gắn những nội dung xây dựng Đảng này với giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Thứ ba, trách nhiệm triển khai thực hiện nghị quyết được xác định từ Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy tới từng tổ chức cơ sở Đảng rất rõ ràng. Thứ tư, là gắn xây với chống, gắn giải quyết với phòng ngừa, gắn trách nhiệm tập thể với trách nhiệm người đứng đầu và đặc biệt là thực hiện hiệu quả hơn nữa một số cơ chế như: Đối thoại với nhân dân, hoạt động giám sát của HĐND, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, của Ủy ban Kiểm tra các cấp...

Nghị quyết số 15-NQ/TU xuất phát từ chính đòi hỏi thực tế cuộc sống. Để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống với hiệu quả sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, các cấp ủy cần triển khai thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với thực hiện nhiệm vụ chính trị trên cơ sở bám sát 8 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá của Đảng bộ thành phố. Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Thứ ba, phát huy dân chủ trong Đảng, đi đôi với thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Thứ tư, thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thứ sáu, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật.

Nghị quyết số 15-NQ/TU ra đời vì cuộc sống, vì yêu cầu phát triển Thủ đô và vì chất lượng sống, niềm vui của từng người dân. Việc thực hiện hiệu quả nghị quyết không chỉ góp phần vun đắp mãi lên niềm tin mà còn nhân lên thêm nhiều lần nụ cười rạng rỡ của cán bộ, đảng viên và người dân!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vun đắp niềm tin, nhân lên nụ cười!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.