Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặt đúng vị trí để phát triển

Nữ Quỳnh| 23/07/2017 07:14

(HNM) - Bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người, vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức. Ở nước ta, bên cạnh bảo tàng công lập, các bảo tàng tư nhân cũng xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc...


Thế nhưng thực tế cũng cho thấy, cơ chế để bảo tàng tư nhân hoạt động cũng như việc phát triển của nó đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Dễ thấy, trong đời sống có không ít người đam mê với việc sưu tầm các hiện vật theo một mảng đề tài nào đó. Khối lượng sưu tập có khi rất đồ sộ và độc đáo, thu hút được đông đảo người dân đến tham quan. Điển hình có thể kể đến Việt phủ Thành Chương (của họa sĩ Thành Chương) với những bộ sưu tập đồ sứ thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam và các đồ vật trong đời sống văn hóa, sản xuất, tâm linh... Vậy nhưng, chính họa sĩ Thành Chương lại chưa bao giờ nhận đây là một bảo tàng.

Dường như việc gắn “danh” bảo tàng cho hình thức bảo tàng tư nhân giống như một người phải khoác chiếc áo quá rộng. Bên cạnh tâm lý e ngại, không muốn phức tạp hóa việc quản lý mô hình này còn có một nguyên nhân quan trọng hơn là khi để được gọi là bảo tàng thì phải đáp ứng những yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan, có nhà trưng bày, kho bảo quản, đội ngũ hướng dẫn viên, bộ máy hành chính… Những tiêu chí “khủng” đòi hỏi vốn đầu tư lớn đó, đa số bảo tàng tư nhân hiện nay chưa đáp ứng được.

Do đó, muốn cho hệ thống bảo tàng tư nhân phát triển thì việc đầu tiên cần làm là phải đặt nó đúng vị trí. Về mặt pháp lý, cần xác định rõ mức độ, quy mô phù hợp, mức nào là phòng trưng bày, phòng triển lãm, tầm nào “lên hạng” bảo tàng tư nhân. Tùy từng mức độ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, công tác đào tạo, quản lý... Cũng cần có sự hợp tác của các tổ chức văn hóa, cơ quan quản lý cùng tiếng nói và sự hiểu biết về giá trị hiện vật sưu tập và trưng bày.

Về bản chất, do thường xuất phát từ sở thích sưu tập của cá nhân nên hệ thống bảo tàng tư nhân chủ yếu hướng về các lĩnh vực gần gũi và cụ thể trong đời sống hằng ngày. Người sưu tập ngẫu hứng và người tham quan cũng có tâm lý muốn được tự cảm nhận các giá trị văn hóa theo cách riêng của mình. Giao tiếp giữa người sưu tập và khách tham quan có khi chỉ là sự đồng cảm, sự chia sẻ kiến thức về đồ vật sưu tập, không bị yếu tố vụ lợi xen vào. Đây cũng là một vấn đề cần được cân nhắc để bảo tàng tư nhân hoạt động tốt. Có một ví dụ điển hình, cũng chính là tại Việt phủ Thành Chương khi “thử” bán vé đã vấp phải không ít tiếng chê.

Rõ ràng, việc biến một không gian trưng bày, một bộ sưu tập thành một bảo tàng không phải là điều dễ dàng. Nếu quy định điều kiện, tiêu chí quá cao, quá nhiều thì bảo tàng tư nhân sẽ không có cơ hội phát triển. Và như với bảo tàng công lập, để bảo tàng tư nhân phát huy hơn nữa hiệu quả cũng cần có sự hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức liên quan trong vận động hiến tặng cổ vật; đồng thời kết nối đưa những sự kiện văn hóa lớn đến với bảo tàng nhằm phổ biến hơn đến công chúng loại hình văn hóa - du lịch nhiều tiềm năng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặt đúng vị trí để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.