Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Dục Tú| 25/07/2017 07:19

(HNM) - Hiện nay, ở Việt Nam có tình trạng dư thừa lao động đã tốt nghiệp đại học, nói cách khác là rất nhiều lao động được đào tạo cơ bản nhưng phải chịu cảnh thất nghiệp. Năm 2017, theo dự báo của chuyên gia trong lĩnh vực lao động và việc làm, số cử nhân thất nghiệp có thể lên tới 200.000 người.


Điều đáng lưu ý, theo lãnh đạo Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao hơn so với các nhóm lao động khác. Đó là chưa kể tới hiện tượng hàng trăm nghìn lao động có trình độ đại học, cao đẳng không tìm được việc làm theo ngành được đào tạo, phải nhận làm những công việc đơn giản vốn không đòi hỏi bằng cấp.

Từ thực trạng trên đặt ra vấn đề về chất lượng đào tạo, nhất là ở bậc cao đẳng, đại học trong mối liên hệ với nhu cầu tuyển dụng. Ở một góc nhìn bao quát, mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng đào tạo so với nhu cầu xã hội nói chung, đòi hỏi của từng nhà tuyển dụng nói riêng chưa cân đối. Đặc biệt là khi số cử nhân thất nghiệp quá nhiều, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “khát” lao động chất lượng cao, tất yếu dẫn đến đòi hỏi phải xem lại khâu đào tạo. Đó có lẽ cũng là nguyên nhân khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua Quy chế tuyển sinh đại học, đặt ra yêu cầu đối với các trường đại học là phải công bố số liệu về sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Yêu cầu nói trên là hợp lý, ở chỗ nó đòi hỏi các trường đại học phải minh bạch số liệu về số sinh viên có việc làm sau khi kết thúc khóa đào tạo, qua đó tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THPT có cơ sở đưa ra quyết định chọn trường chính xác hơn. Số liệu về việc làm cũng là cơ sở để các nhà trường rà soát lại nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng gắn với nhu cầu của xã hội, đáp ứng đòi hỏi thực tế của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về cơ bản thì quy định công bố số liệu về sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp chỉ là một trong số nhiều giải pháp cần thực hiện để giải quyết tình trạng dư thừa lao động nói chung và dư thừa lao động đã qua đào tạo bậc cao đẳng, đại học, bởi để giải bài toán quan trọng này thì ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ là một bên trong hệ thống vốn bao gồm cả ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như nhiều ngành khác, và các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động.

Việc làm đối với cử nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của họ đối với yêu cầu mà phía sử dụng lao động đặt ra, nhưng cũng còn phụ thuộc vào số lượng công việc mà xã hội tạo ra cho họ. Nói cách khác, để hạn chế nạn thất nghiệp thì, một mặt, xã hội phải tạo ra đủ việc làm; mặt khác, công tác đào tạo phải bảo đảm cung cấp cho xã hội những lao động có đủ trình độ và khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đó là hai mặt của vấn đề thất nghiệp đang khiến các nhà quản lý phải đau đầu.

Đó là chưa kể chúng ta cần phải xem xét quy định công bố số liệu sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp có được các nhà trường thực hiện nghiêm túc hay không, cơ quan quản lý có cơ chế và giải pháp giám sát phần việc này nhằm bảo đảm số liệu đưa ra là chính xác, đủ độ tin cậy hay không.

Bởi vậy, chúng ta hy vọng rằng quy định công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học có việc làm đối với các nhà trường chính là khẳng định vai trò đào tạo của mình, đồng thời sẽ giúp nhiều người lựa chọn trường thuận lợi hơn, nhưng hy vọng nhiều hơn về một giải pháp mang tính tổng thể nhằm đồng thời khắc phục hạn chế trong một loạt lĩnh vực, từ đào tạo, tuyển dụng, thị trường lao động đến việc đề ra chính sách, chất lượng công tác quản lý ngành... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.