Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không bị trì hoãn thêm...

Duy Biên| 03/08/2017 06:34

(HNM) - Trước nhu cầu bức thiết về cải thiện nơi ăn chốn ở của người dân, cũng như xu hướng phát triển đô thị hiện đại của Hà Nội, vấn đề cải tạo, xây dựng lại các công trình nhà cũ, công trình công cộng xuống cấp nghiêm trọng luôn được dư luận quan tâm.


Trong khi đó, theo đánh giá mới đây về cải tạo công trình nhà cũ, công trình công cộng xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội thì có đến 133 danh mục công trình trong tình trạng nguy hiểm, cần khoanh vùng chống đỡ, sơ tán người và tài sản nếu cần thiết và 93 danh mục công trình không đánh giá được an toàn. Như vậy, rất nhiều công trình đang có nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Phải nhìn nhận rằng, cái khó của TP Hà Nội trong suốt thời gian qua khi triển khai chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là điều kiện ngân sách của thành phố hạn hẹp. Trong khi đó, phần lớn các khu chung cư tập trung ở nội đô, nơi có mật độ dân số cao, cần giảm áp lực về hạ tầng, diện mạo đô thị mới hài hòa giữa phát triển và bảo tồn; cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng; người dân chưa nhận thức đầy đủ quyền cũng như trách nhiệm của mình..., dẫn đến rất khó cân bằng lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Vậy làm cách nào để tháo gỡ vấn đề này?

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô được UBND TP Hà Nội ban hành là các chung cư cũ khi cải tạo lại sẽ được tăng chiều cao lên thành 21-24 tầng. Nhưng tăng chiều cao đồng nghĩa với việc quy mô dân số của chung cư sau cải tạo có thể tăng gấp 3-5 lần. Vì thế, sức ép về hạ tầng, giao thông là vấn đề nhiều người đặc biệt quan tâm và có nhiều lo ngại. Vậy khi kêu gọi đầu tư dự án, Nhà nước cần đề ra các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch, nhất là về quy mô dân số mỗi công trình để cân đối với sức tải của hệ thống hạ tầng, bảo đảm các tiêu chí chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Vấn đề tiếp theo là xây dựng cơ chế cụ thể, tạo điều kiện, ưu đãi về nguồn vốn cho các chủ đầu tư. Đồng thời, xác định nguồn lực trên cơ sở tính toán, cân đối từ việc nâng cao giá trị sử dụng đất hiện có, giá trị không gian công cộng, dịch vụ thương mại; xây dựng kế hoạch cải tạo chung cư cũ với xác định rõ trọng điểm, tránh thực hiện dàn trải. Cùng với đó, phải làm rõ các hình thức đầu tư và xác định rõ năng lực của chủ đầu tư dự án...

Ngoài ra, việc giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng là điều rất quan trọng. Sự vận dụng chính sách hợp lý, hợp tình, nhưng phải bảo đảm mặt bằng chung để tránh sự so bì giữa các dự án đòi hỏi sự linh hoạt của các cơ quan chức năng. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người không chấp hành quy định, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, cơ quan chức năng cũng nên tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân, tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp...

Để cải tạo hệ thống các chung cư cũ, thành phố đã có quyết tâm, nhưng cũng rất cần sự ủng hộ của doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Chỉ khi cùng cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, và từ phía người dân là sự ý thức về an toàn, chất lượng cuộc sống của mình, việc di dời, đầu tư cải tạo chung cư cũ mới có thể không bị trì hoãn tiến độ thêm nữa cũng như đạt hiệu quả. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để không bị trì hoãn thêm...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.