Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới quy hoạch đa mục tiêu

Minh Thuý| 14/08/2017 07:44

(HNM) - Sau nhiều năm sử dụng, hệ thống đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đã “già cỗi” và đang phải chịu nhiều tác động khắc nghiệt của thiên nhiên, thì việc quy hoạch lại hệ thống này là điều vô cùng quan trọng.

Hiện nay, do lịch sử hình thành và phát triển hệ thống đê điều nên nhiều khu dân cư thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… của Hà Nội có địa giới hành chính nằm trên bãi ven sông. Ở ngoài đê nên nếu có nhu cầu xây dựng nhà ở, việc xin giấy phép xây dựng của các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Với những công trình lớn phải thực hiện nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, phải xin ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành, chưa kể còn vô số các hạn chế khác. Còn với vùng đất bãi ở ngoại thành, người dân cũng gặp nhiều rắc rối bởi không được xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất, hạ tầng không được đầu tư…

Thực tế, trên thượng nguồn sông Hồng, sông Thái Bình đã xây dựng nhiều hồ thủy điện có tác dụng trị thủy nên năm 2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định bãi bỏ các khu phân lũ, chậm lũ. Sau Nghị định này, hầu hết các địa phương dọc lưu vực sông đều đề xuất cho phép khai thác, sử dụng bãi sông vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công trình, nhà ở… Trong bối cảnh đó càng đặt ra yêu cầu về quy hoạch phòng, chống lũ và hệ thống đê điều phải sát thực tế để quỹ đất vùng bãi được khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả…

Đáp ứng mong đợi này, ngày 18-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 257/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thay thế Quyết định 92/QĐ-TTg ngày 21-6-2007.

Bản quy hoạch được giới chuyên gia đánh giá gắn với thực tiễn và có tính khả thi. Tại Hà Nội, thay vì phải di dời 197 khu với 30.230 hộ dân như quy hoạch cũ, nay thành phố chỉ phải di dời 3.498 hộ dân. Bên cạnh đó, quy hoạch đã mở ra cho Hà Nội những hoạch định cụ thể về việc khoanh vùng, di dời những khu dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, những khu vực nào được tồn tại và phát triển… Sự rõ ràng, minh bạch trong quy hoạch đã mang đến những thuận lợi mới cho người dân. Từ đó, thành phố đã “thiết kế” lộ trình cho việc đầu tư hệ thống phòng, chống lũ theo từng giai đoạn…

Mặc dù phần “xương sống” cho quy hoạch vùng bãi đã được định hình, vậy nhưng ứng xử với vùng quy hoạch này thế nào là “bài toán” không đơn giản, đòi hỏi có sự phát triển tổng thể với nhiều mục tiêu của đô thị trong tương lai.

Hiện thành phố đã thực hiện các công việc cụ thể để sớm trình HĐND thành phố vào tháng 11 tới Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê. Bản quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, nên các mục tiêu cũng có tầm chiến lược và phù hợp với phát triển đô thị cũng như phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Những dòng sông Đáy, Nhuệ… ngoài chức năng thoát lũ sẽ “gánh” thêm trọng trách cho sự phát triển phồn thịnh của Thủ đô trong tương lai, trở thành những trục cảnh quan, hành lang xanh, điều hòa không khí hay tạo cảnh quan môi trường cho các đô thị sinh thái bên sông…

Cùng với đó, phải có giải pháp phù hợp với những vùng dân cư đang hiện hữu. Quy hoạch chống lũ phải đi liền với quy hoạch xây dựng vùng và thống nhất với các quy hoạch khác. Các nhà lập quy hoạch cần tìm hiểu thực tế, nghe và chắt lọc ý kiến của các địa phương... Người dân vùng bãi phải được thông hiểu, tuyên truyền, định hướng để việc quy hoạch đạt được sự đồng thuận cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới quy hoạch đa mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.