Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chuẩn nghề làm thầy!

Hà An| 17/08/2017 06:13

(HNM) - Những ngày qua, thông tin điểm đầu vào của khối các trường sư phạm quá thấp đã khiến dư luận “dậy sóng”. Có hai câu chuyện được quan tâm ở đây, đó là chất lượng tuyển sinh của khối các trường sư phạm nói riêng và vấn đề chung của giáo dục hiện nay.



Dư luận băn khoăn là đúng. Với “trình độ” đầu vào như vậy, những nhà giáo tương lai liệu có đủ năng lực, trình độ để gánh vác sứ mệnh "trồng người" cho đất nước, nhất là trước yêu cầu sôi sục phải đổi mới giáo dục như hiện nay? Cụ thể là làm sao đủ kiến thức, sức hút đối với thế hệ học trò vốn có nhiều lợi thế tự học, làm sao đáp ứng được yêu cầu giáo dục đúng nghĩa là truyền cảm hứng, cho phương pháp chứ không phải là “nhồi nhét kiến thức”?

Nghề giáo là nghề cao quý - thực sự cao quý - không phải chỉ vì danh nghĩa “người thầy” mà còn là ở sứ mệnh trao truyền những giá trị nhân văn và khát vọng làm người hiểu biết cho thế hệ sau. “Giá trị nhân văn và khát vọng làm người hiểu biết” là vốn quý đối với nhân lực của bất cứ quốc gia nào. Sự khủng hoảng, nếu có, của ngành Giáo dục thực ra sẽ không phải là câu chuyện của một ngành, mà còn là câu chuyện liên quan tới tương lai đất nước.

Vì vậy, nâng “điểm chuẩn” của nghề làm thầy không phải chỉ là việc riêng của hệ thống trường sư phạm, ngành Giáo dục mà là việc chung của cả xã hội.

Muốn nghề giáo thực sự cao quý thì nghề giáo và người thầy giáo phải được đối xử đúng nghĩa “cao quý”!

Cụ thể, vì cuộc sống, không ít nhà giáo đã phải tăng gia ở thời bao cấp và ngày nay ở một hình thức có vẻ “sang trọng” hơn là: Dạy thêm. Tin rằng, trong sâu thẳm trái tim những người thầy chân chính, không ai muốn kiếm tiền, làm giàu bằng cách này… Một chuyên môn vững vàng, một vị thế xứng đáng, từ đó mang lại những lợi ích vật chất tương xứng sẽ khác với việc phải “chạy sô” khắp các lớp học để rồi không còn thời gian làm giàu kiến thức cho mình.

Nâng “điểm chuẩn” cho nghề sư phạm, nâng cao vị thế người thầy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, về lâu dài phải từ các chính sách đúng đắn. Các thầy, cô giáo nói chung cần một chế độ đãi ngộ xứng đáng, không còn nỗi lo cơm áo, yên tâm cống hiến, cập nhật kiến thức, giữ được cảm hứng làm nghề để truyền dạy cho thế hệ sau.

Cũng như vậy, hệ thống đào tạo giáo viên vốn đã lạc hậu và rất cần được cải thiện theo hướng quy hoạch sắp xếp lại; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Công tác đánh giá, dự báo nguồn nhân lực phải trở thành cơ sở để việc đào tạo sư phạm có hiệu quả, tránh tình trạng thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu, yếu vẫn yếu.

Không chỉ chính sách đầu vào cho nghề sư phạm cần thay đổi mà tiêu chí đầu ra cũng phải chặt chẽ. Đặc biệt, tuyển dụng giáo viên vào các trường học một cách công bằng cũng là cách tôn trọng người thầy, tôn trọng nghề giáo.

Đúng như một tiến sĩ trẻ, một giảng viên đại học nói thì chính tham vọng của phụ huynh khi định hướng tương lai cho con đã “đóng góp” đáng kể vào việc đẩy tâm lý xã hội theo hướng chọn trường vì lợi ích chứ không phải vì đam mê, phù hợp với khả năng. Vì vậy, cùng với các chính sách đúng, bản thân phụ huynh và cả xã hội cũng phải ủng hộ, vun đắp cho các giá trị chuẩn mực của ngành Sư phạm thì “điểm chuẩn” của nghề làm thầy mới có thể được nâng cao, mang lại lợi ích lớn cho các thế hệ học sinh, cho đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng chuẩn nghề làm thầy!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.