Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải chinh phục người tiêu dùng!

Minh Thúy| 18/08/2017 06:42

(HNM) - Tiêu dùng trong nước là một bộ phận cấu thành tổng sản phẩm nội địa. Do đó, thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một trong những biện pháp để tăng GDP.


Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với sức mua thực tế, bởi tiêu dùng nội địa ở nước ta chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức.

Trong nhiều năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hoạt động khá rõ nét trong việc kích cầu tiêu dùng hàng nội địa. Cuộc vận động đã tác động nhất định đến ý thức tiêu dùng hàng Việt của người dân. Song, sự lan tỏa chưa bền, chưa sâu, vì chưa thực hiện thường xuyên mà mới theo “vệt” và nặng tính phong trào…

Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân. Những sản phẩm đẹp, có ưu thế cạnh tranh với hàng xuất khẩu có mức giá còn quá xa xỉ so với thu nhập bình quân của người dân. Ngược lại, hàng hóa dành cho số đông người dân lại chưa được chú trọng về chất lượng, mẫu mã. Trong khi đó, hàng tiêu dùng của các quốc gia khác như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… lại đang tràn ngập thị trường và là sự lựa chọn của không ít người Việt hiện nay.

Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng hàng nội địa, điều tất yếu là hàng hóa Việt phải xây dựng được niềm tin với thị trường. Mấu chốt cho việc này chính là hướng đến một nền hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh và trên hết phải chinh phục được người tiêu dùng.

Đầu tiên, hãy nhấn mạnh vai trò của các nhà sản xuất, các doanh nghiệp. Muốn có chỗ đứng trong thị trường, chắc chắn hàng hóa phải được người tiêu dùng “chấm điểm”. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, phải tạo được uy tín cho sản phẩm của mình. Hệ thống sản phẩm các làng nghề cần được sản xuất theo quy chuẩn, có chiến lược quảng bá và có sự liên kết vùng, miền.

Bên cạnh đó, tính hiệu quả của việc xây dựng kênh phân phối hàng Việt chất lượng cao cũng nên được tính toán kỹ càng. Thực tế hiện nay, hàng Việt chất lượng cao chưa được phủ kín các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây chính là hạn chế làm mạng lưới phân phối bị “đứt, gãy”, khiến thương hiệu hàng Việt bị lu mờ tại những nơi này.

Thêm vào đó, hệ thống dự báo về thị hiếu tiêu dùng trong nước cũng cần được xúc tiến mạnh và chắc chắn hơn. Từ đó, xây dựng tính quy hoạch, kế hoạch có tầm chiến lược cho mỗi ngành, mỗi loại sản phẩm. Mỗi dòng sản phẩm nên tạo những giá trị riêng, khác biệt, để lại dấu ấn trong người tiêu dùng.

Mặt khác, Nhà nước tiếp tục rà soát, điều chỉnh để có chính sách hợp lý giúp giảm chi phí trong sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh sự chủ động, cũng cần những “cú hích” từ cơ chế để có thể tiếp cận được vốn ưu đãi, được đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản phẩm…

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm 2017, người đứng đầu Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ cho từng bộ, ngành, các doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở tháng khuyến mãi, hội chợ hàng Việt… các doanh nghiệp hãy đặt mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa vì người tiêu dùng… Khi ấy, hàng Việt sẽ có chỗ đứng trong thị trường, sức mua sẽ được cải thiện và nền kinh tế phát triển sẽ bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải chinh phục người tiêu dùng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.