Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật

Chí Kiên| 26/08/2017 06:22

(HNM) - Vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục có những diễn biến phức tạp thời gian qua khi vi phạm cũ chưa được xử lý triệt để, vi phạm mới đã phát sinh.

Thực tế cho thấy, những vi phạm trật tự xây dựng đều bắt nguồn từ chất lượng cán bộ chuyên ngành quản lý địa bàn còn nhiều hạn chế, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, tiếp tay, không công tâm, thiếu trách nhiệm; thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm chưa đạt yêu cầu; ý thức chấp hành của chủ đầu tư và một bộ phận người dân chưa tốt, vẫn cố tình vi phạm…

Xây dựng một công trình nhà ở hay trụ sở, xưởng sản xuất, kinh doanh là việc làm diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” và phải kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Vì thế, không có lý do gì để biện minh cho việc “không biết” công trình xây dựng trên địa bàn quản lý đang diễn ra như thế nào. Theo quy định, việc chủ đầu tư công trình xây dựng có vi phạm hay không, cán bộ phụ trách chuyên ngành ở cơ sở cùng chính quyền địa phương phải là người đầu tiên có trách nhiệm theo dõi, phát hiện và xử lý sớm nhất. Nhưng điều đáng tiếc là hầu hết các công trình có vi phạm đều đã “thành hình”, trước khi lực lượng chức năng phát hiện…

Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là, vi phạm trật tự xây dựng không chỉ diễn ra ở khu dân cư, hộ gia đình mà xảy ra ở cả khu đô thị được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Cùng với đó là biến tướng sau dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp khi các căn nhà kiên cố, bán kiên cố, khu trang trại sinh thái đua nhau mọc lên như “nấm sau mưa”. Tình trạng này đều được lực lượng chức năng, chính quyền sở tại giải thích bằng những lý do “quen thuộc” như: “Người dân cố tình”; “lợi dụng đêm tối”; “khi lực lượng kiểm tra vắng mặt”; “lịch sử để lại”…

Chấn chỉnh lại những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ của các cấp, các ngành liên quan.

Trước hết, các cơ quan, đơn vị chức năng phải xử lý triệt để vi phạm cũ và không để xảy ra vi phạm mới. Muốn vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng quản lý, nhất là bộ máy quản lý trực tiếp ở địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm và công bố công khai những tập thể, cá nhân vi phạm để nhân dân giám sát.

Riêng về lực lượng thanh tra xây dựng, cần sớm làm rõ mô hình để nâng cao trách nhiệm, chất lượng thực thi công vụ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải giải quyết triệt để những tồn tại vi phạm và có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm, đình chỉ công tác khi để xảy ra vi phạm mới nghiêm trọng.

Tiếp tục làm rõ hơn nữa sự phân cấp trách nhiệm giữa sở, ngành và quận, huyện về đầu tư xây dựng một dự án khi để xảy ra vi phạm. Vì thực tế, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng, cấp quận, huyện chỉ thực hiện nhiệm vụ ký văn bản đồng ý đầu tư xây dựng hoặc không đồng ý và giải phóng mặt bằng, còn lại toàn bộ hồ sơ quy hoạch, xây dựng như thế nào, điều chỉnh ra sao thì không nắm rõ.

Ngoài Sở Xây dựng làm nhiệm vụ tham mưu chính, các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với chức năng, nhiệm vụ của mình cũng cần thể hiện rõ trách nhiệm trong từng lĩnh vực phụ trách trước UBND TP Hà Nội.

Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật là tiền đề để công tác quản lý trật tự xây dựng đi vào nền nếp, đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.