Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền “giám sát” và “tẩy chay”

Duy Biên| 18/09/2017 07:01

(HNM) - Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Bảy âm lịch, thị trường bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu lại sôi động vào mùa. Tại Hà Nội, không khí tấp nập người bán, kẻ mua; các cửa hàng, đơn vị sản xuất kinh doanh không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như đa dạng mẫu mã, chất lượng…


Tuy nhiên, đi kèm với sự nhộn nhịp đó vẫn là không ít lo lắng về tình trạng mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với mặt hàng bánh trung thu.

Với đặc điểm các loại bánh trung thu không thể bảo quản dài ngày, thời gian Tết Trung thu lại rất ngắn, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến, nên vì lợi nhuận, nhiều cơ sở bất chấp các quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, tình trạng này diễn ra không chỉ ở những làng nghề bánh kẹo truyền thống mà ở cả những cơ sở sản xuất bằng công nghệ hiện đại.

Thực trạng trên khiến cơ quan chức năng phải day dứt: Làm thế nào để dịp Tết Trung thu này bảo đảm an toàn thực phẩm? Còn người dân băn khoăn: Làm gì để chọn được những chiếc bánh trung thu không “bẩn”?

Để khắc phục tình trạng trên, trước tiên các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu về an toàn thực phẩm. Trong đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, phải xử lý nghiêm các vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp cơ sở sản xuất vi phạm không bảo đảm yêu cầu cần phải đình chỉ hoạt động ngay.

Cùng với đó, các nhà sản xuất, kinh doanh cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân công đáp ứng các quy định một cách thực sự; duy trì tự giác, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh và sản phẩm của mình theo quan điểm kinh doanh "bền vững". Tuyệt đối không được sử dụng nguyên liệu trôi nổi, kém chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và loại bỏ quan điểm kinh doanh "chộp giật", gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khách hàng và xã hội.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thị trường bánh trung thu, người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng có tính quyết định. Mỗi người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm nên chọn loại hàng có nguồn gốc rõ ràng: Có tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm bị dập nát, biến dạng, bao bì rách nát..

Nói cách khác, thông qua quyền "giám sát" và "tẩy chay" sản phẩm của người tiêu dùng sẽ góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh bánh trung thu trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền “giám sát” và “tẩy chay”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.