Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy gần hơn với cộng đồng!

Thế Đan| 24/09/2017 07:02

(HNM) - Nhà văn hóa luôn được nhấn mạnh như một phần không thể thiếu trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy vậy, về tổng thể, hoạt động của thiết chế này hiện chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng, gây tốn kém và phần nào lãng phí.

Điển hình là nhà văn hóa cơ sở ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng đang tồn tại lay lắt, nội dung hoạt động đơn điệu, nghèo nàn; nhiều công trình chỉ “xây lên để đó”. Nhà văn hóa chỉ “sáng đèn” khi có các cuộc họp và số người tham gia khá hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, trong đó chủ yếu là do thiếu kinh phí và hạt nhân gây dựng phong trào ở cơ sở hiện rất thiếu và yếu.

Trong bối cảnh đó, có thể coi Dự án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn TP Hà Nội” - được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12-2016, tại Nhà văn hóa thôn Đoài, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) là mô hình cần được tham khảo. Với sự hướng dẫn mang tính gợi ý, cộng đồng dân cư tại đây tự thấy những nhu cầu văn hóa cần được chia sẻ của mình và tìm cách để tự đáp ứng. Phụ nữ thích có một Câu lạc bộ Mỹ thuật để khuyến khích và truyền dạy nghệ thuật, hội họa, kỹ năng nội trợ.

Các hội viên cựu chiến binh muốn thành lập Câu lạc bộ Di sản và ký ức, để kể lại câu chuyện lịch sử từ ký ức chiến đấu, sưu tầm và trưng bày kỷ vật thời chiến tranh, thời bao cấp... Người cao tuổi thích tham gia Câu lạc bộ Dưỡng sinh. Các hoạt động chung khác cũng diễn ra khá sôi nổi, như: Nói chuyện về khoa học, văn hóa, về những chủ đề sát, gần và thiết thực với cuộc sống (tự chăm sóc sức khỏe, chọn mua thực phẩm sạch, giữ gìn và chăm sóc môi trường gia đình, thôn xóm…). Các hoạt động này thu hút đông đảo người dân tham gia một cách hào hứng.

Từ “điểm sáng” trên có thể thấy, khi mô hình thiết chế văn hóa gần với cộng đồng, tự khắc sẽ có sức sống mạnh mẽ. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của hệ thống nhà văn hóa cơ sở cũng cần có cách tiếp cận linh hoạt. Trước hết là mô hình, phương pháp hoạt động cũng cần căn cứ dựa trên thực tế cơ sở, không “cào bằng”, nhà văn hóa khu vực nội thành sẽ phải được thiết kế, nội dung hoạt động khác so với nhà văn hóa ở các thôn, làng ngoại thành.

Tiếp đến, cũng cần xây dựng đội ngũ hạt nhân làm công tác văn hóa cơ sở có sự am hiểu các yếu tố truyền thống, như: Trật tự, thói quen, phong tục, tập quán,... của các cộng đồng dân cư mới có thể làm tốt việc điều hành. Mặt khác, nhà văn hóa cơ sở muốn thu hút đông người tham gia cần phải mở rộng chức năng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn nghệ, thể thao (có tính hình thức) đơn thuần, mà phải mang tính chất đa năng, đa dạng, thiết thực để phục vụ, đáp ứng được các nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân…

Các địa phương cũng cần đầu tư các công trình phụ trợ, như nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa; định kỳ bảo dưỡng, thay thế thiết bị máy móc, bàn ghế, dụng cụ thể dục thể thao để thu hút người dân đến sinh hoạt... Những điều này cần được cụ thể hóa trong Quy chế “Quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của nhà văn hóa - khu thể thao thôn, nhà văn hóa tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội” đang được xây dựng.

… Nhìn từ chiều sâu lịch sử, sức sống của các giá trị văn hóa Việt Nam xưa nay thường nằm ở cộng đồng, được cộng đồng nuôi dưỡng, duy trì, bảo tồn. Trong dòng chảy ấy, sẽ thật thiếu sót nếu như nhà văn hóa cơ sở xây dựng lên chỉ để là nơi hội họp như cách hiểu, cách làm của không ít địa phương bấy lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy gần hơn với cộng đồng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.