Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng vào “chặng nước rút”

Tuấn Kiệt| 04/10/2017 06:59

(HNM) - Ba phần tư chặng đường của năm 2017 đã đi qua, với những đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong 9 tháng qua, kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều tín hiệu khả quan cho thấy, đây là năm đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt.


Nổi bật và quan trọng hơn cả là tăng trưởng đạt được từ động lực phát triển sản xuất hàng công nghiệp, dịch vụ chứ không phải là tăng trưởng từ tín dụng hoặc khai khoáng.

Ngay trước phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, thông tin về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 5 bậc và Chỉ số nhà quản trị mua hàng do Nikkei vừa công bố, Việt Nam đạt trên 53 điểm, cao nhất khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, các lĩnh vực xã hội, môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... cũng được duy trì ổn định.

Có thể nói đây là những thông tin vui, thể hiện không khí làm ăn, kinh doanh khởi sắc; là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và những tháng cuối năm nói riêng.

Tuy nhiên, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta "không say sưa với kết quả mà quên nhiệm vụ nặng nề", nhất là khi tình hình kinh tế thế giới với những diễn biến không suôn sẻ tác động mạnh tới tình hình trong nước. Bên cạnh đó, kinh tế nước nhà vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại, trở thành những “nút thắt” còn chưa được tháo gỡ. Điển hình như cải cách thủ tục hành chính còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công chưa cao, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn "giậm chân tại chỗ", nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào thời tiết...

Ba tháng của quý IV thật ngắn, nhưng là chặng nước rút mang tính quyết định của một năm. Nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế - xã hội. Tuy vậy, thực tế trong những tháng tới, đánh giá của Chính phủ cho rằng, nhiều vấn đề xã hội tiềm ẩn nguy cơ gây bức xúc dư luận vẫn hiện hữu, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp... đòi hỏi các cấp, ngành phải tập trung ứng phó, xử lý.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đáng chú ý là các bộ, ngành đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính. Trong thời gian tới, sẽ cần tiếp tục đổi mới, tháo gỡ các cơ chế quản lý trói buộc sự phát triển, nhất là về thể chế. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, quản lý và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Mỗi cấp, ngành phải tìm ra những hạn chế, yếu kém; tìm các giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời đôn đốc kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là đối với những lĩnh vực kinh tế then chốt. Chính phủ sẽ phải tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hạ lãi suất và xử lý nợ xấu để thúc đẩy tín dụng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài…

Quyết tâm của Chính phủ là rất rõ ràng, quyết liệt. Ngay từ phiên họp Chính phủ tháng 8, Thủ tướng cũng đã nhắc nhở: “Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 mới thúc đẩy được công việc ở phía trước”. Muốn thực hiện được điều đó thì từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương phải thực sự chuyển động, tập trung điều hành quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Nhìn lại 3/4 chặng đường đã đi qua của năm 2017, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về những kết quả khả quan vào "chặng nước rút" cuối năm. Nhưng cũng cần nhắc lại lời cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu cứ say sưa với kết quả đạt được vừa qua mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng vào “chặng nước rút”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.