Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời giải từ làng

Thế Nguyên| 08/10/2017 06:21

(HNM) - Tiếc! - Đấy là tâm trạng chung của những ai từng đến rồi trở lại những

Như một quy luật, "làng di sản" không thể tránh được tác động của thời gian, cùng với đó là nắng, mưa, bão, gió. Tác động lớn hơn nữa là yếu tố con người, ở nhiều khía cạnh: Không gian, nhu cầu sản xuất thay đổi, những hình thức, "phương tiện" sản xuất mới được đưa vào "cơ thể" làng. Không gian, điều kiện sinh hoạt cũng thay đổi. Những "ba gian, hai chái", cửa bức bàn... (trường hợp ở Cự Đà), những biệt thự trăm tuổi kiến trúc cổ điển Pháp nhưng thiếu nhà vệ sinh tiêu chuẩn, phòng tắm có vòi sen (trường hợp với làng Cựu) nay trở nên bất tiện với chủ nhân hiện hữu. Rồi cả dòng dịch chuyển dân cư làm thay đổi không gian cư trú, ly nông - ly hương khiến không ít nhà lâm cảnh cửa đóng, then cài...

Sự tiếc nuối ở người hoài cổ, người "chôn nhau, cắt rốn" ở làng và ở góc độ bảo tồn hẳn còn lớn hơn nhiều. Nhưng làm sao để không còn phải tiếc nuối, hẳn đó là một câu chuyện dài và rất nhiều trăn trở! Giải pháp nào có thể giúp giảm bớt tác động của thời gian tới từng "làng di sản", đặc biệt là giảm thiểu tác động từ sinh hoạt, sản xuất?

Đây là vấn đề đã được đề cập, luật hóa về mặt quản lý nhà nước. Luật Thủ đô nhấn mạnh yêu cầu bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô bảo đảm tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống tiêu biểu; biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 phải được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị. HĐND TP Hà Nội đã có nghị quyết ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1945 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Cùng với đó là những kế hoạch, hoạt động cụ thể của thành phố và các cơ quan có liên quan.

Tuy nhiên, từ luật tới thực tế cuộc sống lại có những khoảng cách. Do đó, từ điểm tựa là hệ thống pháp lý, rất cần có những khảo sát, đánh giá một cách tổng thể, chặt chẽ, rồi từ đó đặt ra hướng, giải pháp bảo tồn một cách chi tiết. Giá trị từng ngôi làng di sản không phải bàn cãi, nhưng giá trị của từng công trình trong đó với yếu tố nguyên vẹn, tình trạng hiện tại như thế nào... lại cần cả định lượng lẫn định tính với tiêu chí rõ ràng. Trên hết, mọi hoạt động rà soát, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất... phải dựa trên thực tế: Làng cổ không phải di sản trong tủ kính mà là một sinh thể sống, với những nhu cầu, tác động thay đổi liên tục do hoạt động sản xuất, cư trú, sinh hoạt. Đây là những ngôi làng luôn vận động liên tục với quá trình phát triển.

Từ những giá trị đã được thừa nhận, cần có hoạt động quảng bá phù hợp, để không chỉ "người bốn phương" mà trước hết, trực tiếp chính là “người làng” hiểu được giá trị. Điều này rất can hệ đến một điều kiện cốt lõi cho việc bảo tồn: Chỉ khi "người làng" hiểu rõ giá trị, họ mới đủ quyết tâm gìn giữ, tránh những băn khoăn, có khi là bức xúc đã từng xảy ra.

Vừa bảo tồn vừa để làng vẫn là không gian cư trú, sản xuất của người bản địa thì gắn với phát triển du lịch là hướng đi hiệu quả nhất hiện giờ đã được nhiều nước lựa chọn. Những gợi ý, khuyến nghị, giải pháp về hướng đi này thì nhiều nhưng lời giải phù hợp nhất lại chính từ làng, từ người làng, trên cơ sở họ đã đủ quyết tâm gìn giữ hồn làng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời giải từ làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.