Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng bức tranh giao thông tươi sáng

Tuấn Kiệt| 24/10/2017 05:41

(HNM) - Hà Nội ngày nay là một trong số 17 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong khi tốc độ tăng chiều dài đường đô thị mới đạt 3,85% và diện tích đường đô thị chỉ 0,25%/năm thì tốc độ tăng số lượng xe máy 6,7%, ô tô lên tới 10,2%/năm đã đặt ra những thách thức vô cùng lớn.


Mười năm trước, TP Hà Nội đã lập dự án phát triển giao thông công cộng với 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) và 8 tuyến đường sắt đô thị, tổng chiều dài 605km. Thế nhưng, với sự mở rộng địa giới hành chính Thủ đô thì các quy hoạch đô thị, giao thông cũng có sự thay đổi. Và dù đã rất cố gắng với nguồn lực đầu tư lớn nhằm hình thành hệ thống giao thông đô thị với các đường phố mới, đường xuyên tâm, đường vành đai, nhưng chính sự thiếu vắng hệ thống phương tiện giao thông công cộng khiến cho bức tranh giao thông của Hà Nội chưa được tươi sáng. Tắc nghẽn vẫn là nỗi ám ảnh với người dân mỗi khi phải ra đường. Kéo theo đó là ô nhiễm khói bụi, cũng như tai nạn giao thông còn phức tạp.

Hà Nội muốn khắc phục ùn tắc giao thông thì cần kết cấu hạ tầng hợp lý, có mạng lưới vận tải công cộng thuận tiện, đủ sức thu hút người dân lựa chọn. Dĩ nhiên, để đạt mục tiêu này đòi hỏi tầm nhìn chiến lược với lộ trình cụ thể, trước hết là từ quy hoạch phát triển giao thông.

Tháng 3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và theo Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 28-9-2017 của UBND TP Hà Nội (thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030"), tới đây Thủ đô Hà Nội sẽ có một hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ và hiện đại với nhiều loại hình khác nhau. Ðây là xu hướng tất yếu, không thể khác và không thể chậm hơn nữa.

Tuy nhiên, từ quy hoạch đến thực tế triển khai xây dựng là vấn đề không hề đơn giản. Chúng ta đang chứng kiến một Hà Nội phát triển mạnh theo xu hướng đô thị hiện đại. Vùng Thủ đô với 9 tỉnh, thành vệ tinh kết nối với trung tâm Hà Nội bằng hàng chục cây cầu bắc qua sông Hồng đã và đang tiếp tục được xây dựng. Ngay trong nội đô, hàng chục khu đô thị mới, hàng nghìn tòa nhà cao tầng vẫn tiếp tục mọc lên... Do đó, việc dự báo lưu lượng giao thông cần phải tương ứng với quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, đặc biệt là về tác động qua lại giữa các nhân tố: Tình trạng giao thông, quỹ đất dành cho giao thông với tăng trưởng kinh tế. Từ đó, tiến tới kiểm soát lưu thông trong thành phố, nhất là ở khu vực đô thị "lõi"; ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng, cũng như khuyến khích sử dụng phương tiện phi cơ giới. Bên cạnh đó là phát triển đô thị vệ tinh, tính đến sự cân đối giữa nơi ở và nơi làm việc của người dân nhằm góp phần giảm bớt áp lực về lưu lượng giao thông.

Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh gắn với triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong quản lý giao thông. Tuy nhiên, khi triển khai các dự án giao thông đòi hỏi phải tuyệt đối tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt, có sự đồng bộ giữa thực hiện quy hoạch giao thông với các quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác.

Cuối cùng, một yếu tố vô cùng quan trọng chính là sự ủng hộ của nhân dân. Từ ví dụ tuyến BRT đầu tiên được thành phố triển khai cuối năm 2016 cho thấy, chúng ta cần thiết phải tạo nên thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Khi hệ thống BRT, rồi đường sắt đô thị hoàn thiện, cùng với ý thức của người dân được nâng lên thì chắc chắn bức tranh giao thông sẽ trở nên tươi sáng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng bức tranh giao thông tươi sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.