Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để bắt kịp xu thế?

Tuấn Kiệt| 09/11/2017 07:00

(HNM) - Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn gọi là Cách mạng 4.0, nơi mà trí tuệ nhân tạo và khả năng kết nối vạn vật qua internet chi phối chủ đạo...


Trong cuộc Cách mạng 4.0, khi tự động hóa trở thành thống lĩnh thì phương thức đào tạo truyền thống tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ trở nên lạc hậu. Một ví dụ từ nước Mỹ cho thấy, khi ô tô tự hành phát triển sẽ khiến hơn 3 triệu lái xe mất việc làm và khoảng 5 triệu người làm việc trong các quán ăn, trạm xăng, nhà nghỉ... có thể bị robot thay thế. Một kết quả khảo sát quốc tế cũng ước tính, có khoảng 70% đến 80% công việc hiện nay biến mất trong 20 năm tới.

Do đó, những câu hỏi lớn đang đặt ra là, khi máy móc và trí tuệ nhân tạo phát triển, công tác đào tạo nghề sẽ phải thay đổi như thế nào và bản thân người lao động sẽ phải thay đổi ra sao để không rơi vào cảnh thất nghiệp?

Nhìn từ góc độ vĩ mô, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, nhân lực chất lượng cao đang giữ vai trò quyết định sự phát triển. Nắm được quy luật này, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Với riêng Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI xác định: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là một trong ba khâu đột phá. Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31-8-2016 của UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương phải nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên từ 70% đến 75% vào năm 2020… Đến nay, cùng với quan tâm nâng cấp hệ thống cơ sở đào tạo nghề, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng ba trường cao đẳng nghề công lập trở thành trường chất lượng cao.

Từ thực tế có thể khẳng định, Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng trong cơ cấu lao động, có nguy cơ phá vỡ thị trường lao động bởi sự xâm lấn của công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo là cấu thành quan trọng của sản xuất. Do đó, giáo dục và đào tạo phải làm gì để vừa đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với thực tế và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải?

Một thực tế khác cũng đang dần chiếm ưu thế đó là, trước đây, nghiên cứu khoa học thuộc về các nhà trường, viện nghiên cứu. Thế nhưng, hiện nay chức năng này có sự chuyển dịch sang khu vực doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều quan tâm đến đầu tư phòng thí nghiệm riêng, có đội ngũ nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính độc quyền.

Rõ ràng, đào tạo nghề đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn. Đến lúc phải coi đào tạo nghề là hàng hóa đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, đem lại cho người học kỹ năng, kiến thức và tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc vốn luôn thay đổi theo xu thế.

Dĩ nhiên, sự thay đổi của đào tạo nghề phải thực hiện ở nhiều góc độ khác nhau, từ máy móc, thiết bị, cán bộ quản lý, giảng viên, chương trình đào tạo cho tới người học, với cơ chế linh hoạt và thích ứng giữa giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng của người lao động. Thực tế phát triển cho thấy, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu sự tác động sớm và nhanh nhất trước những đổi thay của xã hội. Và cũng chính giáo dục, đào tạo sẽ tạo ra phiên bản mới cho các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để bắt kịp xu thế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.