Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để di sản sống cùng cộng đồng

Thế Đan| 19/11/2017 06:53

(HNM) - Với ý nghĩa là nguồn lực quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, di sản văn hóa (cả di sản vật thể và phi vật thể), đang trở thành một dạng tài nguyên vô giá nếu chúng ta biết gìn giữ và khai thác khoa học. Nhưng để tài sản quý giá đó sống mãi, phục vụ cộng đồng thì công tác giáo dục về giá trị di sản phải đi trước một bước.

Gần đây, những nỗ lực tuyên truyền, giáo dục các giá trị di sản văn hóa tới cộng đồng đã có biến chuyển, rõ nhất là cách tiếp cận di sản không còn chỉ đóng khuôn trong các bảo tàng, di tích mà đã được phân chia thành các nhóm đối tượng cụ thể, từ đó có cách tuyên truyền, giáo dục khác nhau. Di sản cũng là nguồn tư liệu để tổ chức thành các trò chơi giáo dục; điểm tham quan du lịch… Mục đích cuối cùng của những hoạt động này đều là để cộng đồng hiểu rõ hơn về giá trị di sản, từ đó đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trên bình diện chung, đó vẫn chỉ là những nỗ lực đơn lẻ (điển hình như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám…) nên chưa tạo thành “cuộc cách mạng” trong việc phát huy giá trị di sản cho phù hợp với cuộc sống đương đại.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, từ chuyện thiếu kinh phí, thiếu sự quan tâm của cơ quan quản lý…, đến cả lối sống hiện đại làm cho một số di sản (nhất là di sản phi vật thể) hao hụt và dần biến mất. Tuy nhiên, điều cần phải nói là những hoạt động mang tính phối hợp trong công tác giáo dục di sản vẫn mang tính đơn lẻ, chưa phải là phương pháp chung. Khó khăn nằm ở hai phía: Các ban quản lý di tích hoặc bảo tàng khó huy động kinh phí để xây dựng nội dung dành riêng cho từng đối tượng học sinh, khách tham quan; các nhà trường không thể dành quá nhiều thời gian ngoài khung chương trình đã ấn định để thường xuyên tổ chức hoạt động học tập ngoại khóa liên quan đến bảo tồn di sản… Có thể nói, công tác này đang thiếu một “nhạc trưởng” giữ vai trò điều phối.

Từ câu chuyện trên cũng gợi mở rất nhiều về hướng ra cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại. Đó là, cần phải đẩy mạnh việc dùng chính di sản để “nuôi” di sản. Cụ thể, phải gắn kết di sản với phát triển kinh tế du lịch và cần khai thác bền vững các giá trị di sản bằng cách dựa vào cộng đồng. Hiện Việt Nam có nhiều chính sách xã hội, mô hình phát triển du lịch gắn với di sản cộng đồng đang ngày càng được nhân rộng. Điển hình là việc đưa di sản vào phục vụ hoạt động du lịch như hát quan họ trong hội Thổ Hà, hội Diềm Xá (Bắc Ninh), hát bài chòi (Hội An)... đã mang lại hiệu quả trong việc bảo tồn di sản văn hóa, phát triển bền vững hiện nay.

Ngoài ra, nhất quyết phải huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa bảo tồn di sản, Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước đi trước thông qua việc tạo lập cơ chế chính sách và đầu tư nguồn lực vào hoạt động bảo tồn di sản, tạo cú hích để huy động xã hội đóng góp. Tuy nhiên, trong chủ trương xã hội hóa, cơ quan quản lý nhà nước không được có tư duy khoán trắng cho cộng đồng. Ngược lại, cộng đồng không được ỷ lại vào nhà nước. Bên cạnh đó, khi có các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, phải thông báo cho cộng đồng. Bởi cộng đồng là người nhận diện giá trị, quyết định ứng xử với di sản, giám sát việc thi công, cuối cùng sẽ sử dụng công trình ấy để thực hiện chức năng xã hội.

Cùng thực hiện đồng thời các nhiệm vụ nói trên là con đường đúng để các di sản sống mãi cùng cộng đồng nơi có di sản, cũng như trường tồn cùng dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để di sản sống cùng cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.