Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần củng cố từ gốc

Minh Thúy| 24/11/2017 06:50

(HNM) - Thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí xây dựng, thiếu trang thiết bị, thiếu người có chuyên môn quản lý… là những nguyên nhân khiến các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, phường, thị trấn hoạt động không hiệu quả kéo dài nhiều năm qua.


Về lý thuyết, trung tâm văn hóa - thể thao xã “gánh” rất nhiều chức năng. Ngoài việc là địa điểm tổ chức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đây còn là nơi thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia mọi hoạt động văn hóa, thể thao; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật; nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa, thể thao cho nhân dân… Tuy nhiên, nói chung thiết chế văn hóa này vẫn mờ nhạt, khá xa lạ với nhiều người dân. Chưa kể, ở không ít địa phương, do không có “người cầm cương” nên khiến thực thể này tồn tại dưới dạng: Không có thì thiếu, nhưng có thì hầu như quanh năm "cửa đóng then cài"…

Như đã nêu, nguyên nhân gốc rễ của thực trạng trên đã được chỉ rõ. Trong đó, chủ yếu bởi nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp. Và sâu xa nhất vẫn là chủ thể tổ chức, vận hành thiết chế này vừa thiếu, vừa yếu. Vẫn còn những cán bộ văn hóa cơ sở không đáp ứng được yêu cầu: Vừa có khả năng chuyên môn về văn hóa, văn nghệ, thể thao; vừa hiểu biết đa dạng đời sống, xã hội.

Để nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa này, yếu tố con người phải được coi trọng. Đội ngũ cán bộ văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở cần được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ một cách thực thụ. Nhà nước phải có chính sách tạo động lực để họ chuyên tâm công tác. Bên cạnh đó, lãnh đạo chủ chốt các địa phương cũng cần năng động, nhiệt huyết hơn nữa trong tìm kiếm giải pháp để thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng của trung tâm. Mỗi địa phương cần xác định thế mạnh của mình để sử dụng, khai thác trung tâm văn hóa - thể thao phù hợp. Với những địa bàn khó khăn, cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" cần được phát huy và sáng tạo nhiều hơn... Khi người dân thấy trung tâm văn hóa - thể thao thiết thực, hữu ích, họ sẽ chủ động tham gia và có trách nhiệm trước cộng đồng... Khi ấy, việc kêu gọi xã hội hóa sẽ đơn giản hơn nhiều!

Bên cạnh đó, các trung tâm văn hóa - thể thao cấp tỉnh và cấp huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác chuyên môn, thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Và một điều quan trọng nữa, không xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao vì "bệnh" thành tích, nên có kế hoạch cụ thể, bảo đảm thiết chế này hoạt động thực sự hiệu quả trước khi bắt tay vào xây dựng công trình trên thực địa.

Thực tế cho thấy, một hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao tốt sẽ đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của các tầng lớp nhân dân tại địa phương, góp phần nâng cao thể lực, thể chất cộng đồng. Khi thiết chế văn hóa này đáp ứng cơ bản các tiêu chí, thực sự trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt và thắt chặt thêm tình đoàn kết. Những điều này sẽ không có được nếu các thiết chế văn hóa - thể thao yếu kém, thiếu đồng nhất như hiện nay. Chính vì vậy, việc củng cố lại từ gốc, hoàn thiện, bảo đảm phương châm "nơi có thì cần, nơi cần thì xây" để các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã mang lại lợi ích cho cộng đồng là việc phải làm ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần củng cố từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.