Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tránh sai lầm đáng tiếc!

Đỗ Quỳnh Chi| 17/12/2017 07:00

(HNM) - Chúng ta đang đối mặt với những mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển, quá trình đô thị hóa dồn dập với yêu cầu bảo vệ nguyên trạng, phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa; giữa thực tiễn của ngành bảo tồn với khả năng đầu tư tài chính hạn hẹp của Nhà nước; công tác bảo tồn di tích với trình độ của cán bộ bảo tồn bảo tàng còn hạn chế.


Bên cạnh đó, còn có sự tác động tiêu cực của tự nhiên; những hành động vô thức hoặc có ý thức của con người... Vì thế, cho dù ngành Văn hóa rất cố gắng trong vấn đề bảo vệ di tích, nhưng vẫn không tránh khỏi một số di tích lịch sử văn hóa bị xâm hại, xuống cấp hay hủy hoại.

Với Thủ đô Hà Nội, địa phương có số di tích lịch sử lớn nhất cả nước thì vấn đề trên càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Những năm qua, dư luận liên tục nhắc đến một số công trình hàng trăm năm tuổi nay bỗng “trẻ hóa”, hay những kiến trúc làm nên giá trị công trình bị gọt giũa, sửa chữa sai lệch làm biến dạng, mất đi sự hài hòa trong tổng thể vốn có của di tích. Những gì đã từng xảy ra ở chùa Trăm Gian, chùa Hương, thành cổ Sơn Tây, thành Cổ Loa, Làng cổ Đường Lâm… cho thấy điều này. Thậm chí, một số di chỉ khảo cổ có nguy cơ xóa sổ.

Trong khi đó, công tác quản lý ở một số khu di tích văn hóa và địa phương còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp. Một số di tích quan trọng chưa được xếp hạng nên việc can thiệp của cơ quan chuyên môn trong trùng tu, tôn tạo di tích gặp nhiều khó khăn, dẫn tới bị xâm hại.

Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm: Văn hóa cần được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc và bổ sung cho nhau. Việc bảo tồn di sản văn hóa không được cản trở, mà ngược lại, còn phải tạo ra động lực cho phát triển. Con người được coi là trung tâm của quá trình phát triển. Do đó, di sản văn hóa phải được gắn với con người và cộng đồng cư dân địa phương (với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu tài sản văn hóa), coi việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của đông đảo công chúng trong xã hội là mục tiêu hoạt động.

Từ những điều trên cho thấy, trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cần thực hiện một số nguyên lý sau: Chỉ can thiệp tối thiểu tới di tích, nhưng cần thiết lập một cơ chế duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ để bảo đảm di tích được ổn định lâu dài. Tiếp đến là di tích có thể sử dụng và phát huy phục vụ nhu cầu xã hội theo những chuẩn mực khoa học được xác định thông qua một hội đồng khoa học. Sử dụng và phát huy các mặt giá trị của di tích cũng chính là biện pháp bảo tồn có hiệu quả nhất. Cuối cùng, bảo tồn di sản văn hóa phải triển khai song song và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại, phát triển phải kết hợp với bảo tồn di sản văn hóa... “Hành lang mềm” này chính là barie để các cơ quan văn hóa, người dân và cộng đồng thực hiện, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được bền vững, lan tỏa, đáp ứng hiệu quả các mục tiêu phát triển, thiết nghĩ ngành Văn hóa cần lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đối với từng di tích, phù hợp với thực tế của các địa phương. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân nhằm từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát huy giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để tránh sai lầm đáng tiếc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.