Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Kênh” liên lạc đặc biệt

Thế Nguyên| 19/12/2017 07:16

(HNM) - Nếu tiếp xúc cử tri - hoạt động rất đặc trưng của Quốc hội và HĐND - nhằm tạo sự kết nối, tương tác của đại biểu dân cử với cử tri thì tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân chính là diễn đàn, kênh liên lạc hiệu quả giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với người dân.

Lợi ích từ việc tổ chức “kênh” liên lạc đặc biệt này là không phải bàn cãi. Qua đó, người dân có thêm diễn đàn để nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại cũng giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt được vấn đề phát sinh, vấn đề còn tồn đọng trên địa bàn do mình quản lý. Từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời, vừa thúc đẩy phát triển, vừa tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.

Ở góc độ quản lý, thông tin từ các cuộc tiếp xúc, đối thoại là công cụ phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta mới ở giai đoạn đầu của quá trình xây dựng chính quyền điện tử. Thực tế triển khai Quy chế Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy: Việc tăng cường đối thoại đã kịp thời tháo gỡ, giải quyết nhiều vụ việc, tăng sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của thành phố và từng địa phương. Những kết quả cụ thể ở từng địa bàn, từng lĩnh vực là rất rõ nét.

Tuy nhiên, những bất cập trong tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân vẫn còn. Nhìn chung, đây đều là những bất cập mang tính “kỹ thuật”, như: Giống các buổi tiếp xúc cử tri, chưa rõ tính chất “góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” hoặc xảy ra tình trạng trình bày văn bản... Nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại sẽ có ý nghĩa lớn đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển.

Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại phải được tổ chức một cách thực chất, tuyệt đối tránh tình trạng hình thức. Điều đặc biệt quan trọng, đây phải là diễn đàn nói lên tâm tư, nguyện vọng của đông đảo người dân, với những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của cả cộng đồng, chứ không phải một số ít người. Liên quan yêu cầu này, cơ cấu, thành phần dự tiếp xúc, đối thoại thế nào cũng là vấn đề đáng bàn. Chẳng hạn, những người dự tiếp xúc, đối thoại cần có tính đại diện. Hoặc người đang có khiếu nại, tố cáo… có thể “đưa vào” nội dung tiếp xúc, đối thoại mong muốn riêng của mình… Nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, đối thoại rõ ràng là chuyện đáng quan tâm.

Cùng với việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp rất cần những hình thức tiếp xúc, tương tác khác như thông qua tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại, thư… (điều này cũng đặt ra yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử nhanh và hiệu quả hơn nữa).

Điều quan trọng hơn cả, từ những cuộc tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải biến tâm tư, nguyện vọng của người dân thành trách nhiệm và động lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của mình trong thực tế. Đấy là ý nghĩa thiết thực nhất và cũng là giá trị lớn nhất của mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Kênh” liên lạc đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.