Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện hạn chế để thay đổi

Minh Thúy| 23/12/2017 06:51

(HNM) - Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là quy định bắt buộc đối với xe ô tô khi tham gia kinh doanh vận tải. Đây là phương pháp tiên tiến, hiệu quả, được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu, giúp cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước tăng khả năng điều hành, quản lý.

Thiết bị giám sát được coi như “hộp đen” bởi thiết bị giám sát hành trình tích hợp đầy đủ các thông số cần thiết như tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên Sở GT-VT (nơi cấp giấy phép kinh doanh); biển số xe; trọng tải xe, số lượng hành khách; tốc độ, thời gian, tọa độ của phương tiện... Thiết bị cho phép, chỉ cần ngồi ở “sở chỉ huy”, mọi vi phạm liên quan đến phương tiện và người sử dụng phương tiện sẽ bị phát hiện… Nhưng rất tiếc, thế mạnh từ thiết bị chưa được phát huy, ngược lại, công tác quản lý còn hạn chế, khiến nhiều người cho rằng quy định này gây lãng phí và chưa hoàn toàn chặn được tiêu cực.

Thực tế, tại nhiều tỉnh, thành phố, không ít vi phạm của lái xe, chủ phương tiện vẫn “lọt lưới”; nhiều xe chạy không đúng hành trình; xe dù, bến “cóc” vẫn tồn tại trước sự bức xúc của dư luận. Thậm chí, nhiều xe ngắt hoạt động của “hộp đen” nhưng cơ quan quản lý không biết? Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thông tin trong thiết bị giám sát bị "treo", không xử lý. Trong khi đó, việc xử phạt vẫn diễn ra trực tiếp giữa lái xe, chủ phương tiện với lực lượng chức năng… nên vi phạm khó được xử lý khách quan, đúng luật…

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đến trước ngày 1-7-2018, hầu hết xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình và đây là số tiền đầu tư không nhỏ. Để thật sự hữu ích, không gây lãng phí thì những tồn tại trong quản lý "hộp đen" cần được nhận diện rõ để sớm thay đổi.

Thiết bị chỉ là công cụ để giám sát, con người mới quyết định hiệu quả sử dụng. Theo quy định và phân cấp tại Thông tư 09/2015/TT-BGTVT ngày 15-4-2015 của Bộ GT-VT về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, Sở GT-VT trực tiếp quản lý dữ liệu của “hộp đen” qua việc truy cập vào hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở GT-VT xử lý các vi phạm từ nguồn dữ liệu phân tích do Tổng cục Đường bộ Việt Nam chuyển về... Nhưng thực tế, có thời điểm có tới 10 tỉnh, thành phố không xử lý vi phạm do Tổng cục báo về cho thấy trách nhiệm của cơ quan chức năng chưa thực hiện đầy đủ. Điều này đòi hỏi Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần chỉ rõ những Sở GT-VT không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ để truy trách nhiệm và chấn chỉnh.

Là đơn vị có trách nhiệm đầu tư, xây dựng hệ thống thông tin, quản lý, nâng cấp, bảo trì trang thiết bị phần cứng, phần mềm và đường truyền dữ liệu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp về công nghệ để bảo đảm sự hoạt động ổn định, chính xác về chất lượng thông tin trong thiết bị. Mặt khác, bản thân chủ phương tiện, lái xe cần nâng cao ý thức, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và xã hội.

Để thiết bị giám sát hành trình thật sự có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm giao thông, phòng tránh tai nạn, các cơ quan chức năng phải khẳng định tính hữu ích của thiết bị thông qua việc xử lý dữ liệu thu thập được. Chỉ khi các quy định về khai thác, sử dụng dữ liệu được thực hiện đúng thì việc lắp đặt "hộp đen" mới không mang tính đối phó, các quy định của pháp luật về lắp thiết bị giám sát hành trình mới đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện hạn chế để thay đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.