Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động thích ứng để phát triển

Minh Thúy| 12/01/2018 07:11

(HNM) - Rét đậm, rét hại kéo dài những ngày qua tác động xấu đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng rõ nhất có lẽ là đối với ngành Nông nghiệp...


Lúc này, sự dị thường của thời tiết không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà quả “bom thời tiết” còn nổ tung với khối khí siêu lạnh ở Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha. Ngược với cái lạnh đông cứng ấy thì miền Đông Australia lại đang chịu cảnh nắng, nóng như thiêu, như đốt. Hai thái cực này cho thấy, khí hậu toàn cầu đang biến chuyển ngày càng khắc nghiệt. Với nước ta, trong điều kiện nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, năng lực đối phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế thì sự chủ động để thích ứng là đòi hỏi cấp thiết.

Gần đây, người dân đã có sự chủ động hơn trước diễn biến bất thường của thời tiết. Đó là việc áp dụng những kinh nghiệm truyền thống, mang kiến thức tiếp thu được qua những lớp tập huấn kỹ thuật… vào sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn, các sở, ngành liên quan luôn sâu sát, đưa ra những khuyến cáo, hướng dẫn cho người dân trong việc phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi phù hợp với mỗi vùng, miền… Sự chỉ đạo quyết liệt và những "hỗ trợ" đó giúp ngành Nông nghiệp nói chung, sản xuất nông nghiệp Hà Nội nói riêng, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm nguồn hàng ổn định cho dịp lễ, Tết trong thời gian tới.

Song, để đối phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt như rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt là các hình thái cực đoan của biến đổi khí hậu, tiến tới nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi một cách tương đối chủ động và bền vững thì phải chủ động triển khai các giải pháp dài hơi. Trong đó, tính dự báo luôn được đặt lên hàng đầu để kịp thời có điều chỉnh phù hợp cả về khung thời vụ và cơ cấu vật nuôi, giống cây trồng. Dựa vào dự báo, ngành chức năng sẽ đưa ra khuyến cáo để người dân có sự tính toán hợp lý trong sản xuất. Cũng từ dự báo này, cơ quan chức năng sẽ hoạch định chuẩn xác hơn về quy hoạch ngành.

Nhưng như thế là chưa đủ! Để có một nền nông nghiệp vững từ gốc trước sự đe dọa của thiên tai, chúng ta phải tìm hướng phát triển nông nghiệp thông minh. Đó là lựa chọn ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại. Ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu cải tiến các công nghệ cao nhập nội để thích ứng điều kiện các vùng sinh thái của Việt Nam…

Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang đặt nền nông nghiệp nước ta vào cuộc đua mới. “Nông nghiệp 4.0” chính là chìa khóa thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, theo đó, sẽ mở đường cho hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ và giảm thiểu tác động từ thiên nhiên...

Muốn đạt được điều này, nền nông nghiệp cần rất nhiều yếu tố làm “bệ đỡ”. Đó là đội ngũ nhân lực, những nhà khoa học thực thụ của đồng ruộng; những cơ chế, chính sách đủ mạnh để doanh nghiệp muốn và yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này… Và mỗi người nông dân, mỗi doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chủ động nắm bắt cơ hội trong thời đại công nghệ mới.

Kinh nghiệm cũng như hiệu quả ứng phó đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra của nông dân Hà Nội nói riêng, nông dân miền Bắc nói chung cho thấy rõ điều này: Sự "cảnh giác" và sẵn sàng phương án phòng, chống sẽ làm giảm thiểu tác động. Nhưng chỉ khi chủ động thích ứng với tầm nhìn dài hạn, nền nông nghiệp mới phát triển thật sự bền vững và nhà nông không còn cảnh "ngồi trên đống lửa" trước mỗi cơn đỏng đảnh của thời tiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động thích ứng để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.