Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không nên chần chừ thêm

Duy Biên| 13/01/2018 06:32

(HNM) - Hiện cả nước có trên 36.000 xe công và chi phí vận hành số xe này tiêu tốn trên 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh nước ta còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước luôn bội chi và nợ công tiếp tục tăng cao.


Có thể thấy, khoán xe công là vấn đề đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng cũng chỉ dừng ở việc thí điểm. Mặc dù lợi ích của việc này đã rõ, nhưng khi thực hiện lại không đơn giản. Đến nay vẫn còn không ít ý kiến trái chiều xung quanh lộ trình và phương thức khoán, trong đó một phần khó thực hiện là bởi tâm lý “xài tiền chùa”, chuộng hình thức, quan cách... của một số cá nhân. Không ít ý kiến nghi ngại rằng, nếu không có xe công sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của nhiều cơ quan, đơn vị…

Điều băn khoăn đó chưa hẳn đã đúng. Dẫn chứng là Hà Nội đã tiên phong trong cả nước thí điểm khoán xe công tại 8 đơn vị từ tháng 3-2017 và đến nay đã thấy hiệu quả rõ rệt. Rõ nhất là đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, chưa kể giảm được nhiều lái xe. Hơn thế, ngoài việc chống lãng phí, điều quan trọng nhất là công việc tại các đơn vị vẫn bảo đảm, không có tình trạng cán bộ đi làm, đi họp muộn vì không có xe công. Điều đó cho thấy, việc khoán xe công hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, khoán xe công cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết. Trước hết, ở góc độ Nhà nước, sau một thời gian thí điểm, đến nay vẫn chưa có một mô hình chuẩn để triển khai khoán xe công trên toàn quốc. Mặc dù mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 151/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có nội dung liên quan tới quản lý xe công, nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể. Do vậy, cần có một hành lang pháp lý để thống nhất việc khoán xe công trên toàn quốc. Sau khi đã xem xét thấu đáo những thuận lợi, khó khăn và những lợi ích mà chính sách này mang lại, cần nghiêm túc áp dụng trong cả nước, không theo kiểu “tự nguyện” như hiện nay.

Tiếp đến, khi khoán xe công, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là một số cá nhân vốn được hưởng những đặc quyền, đặc lợi từ cơ chế cũ. Khi khoán xe công cũng tính đến những khó khăn mà người được khoán xe gặp phải, nhất là trong tình trạng các loại phương tiện khớp nối chưa hoàn chỉnh, phương tiện công cộng chưa phát triển, chưa chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, việc khoán xe công không chỉ tiết kiệm cho ngân sách mà còn thể hiện tinh thần “cán bộ đi trước” trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt phải xóa tâm lý chỉ đi xe công thì mới “oai”, đi xe ôm, đi xe taxi thì không đúng... tầm lãnh đạo. Làm được như vậy mới ngăn chặn được sử dụng xe công vô tội vạ, nhất là hiện tượng xe biển xanh đi ăn nhậu, đi lễ chùa, đi chơi… mà không phục vụ mục đích công vụ.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải tính đến sau khi thực hiện khoán xe công sẽ giải quyết thế nào với số xe dôi dư. Bởi, nếu không thực hiện triệt để, hiệu quả sẽ nảy sinh tình trạng xe công không được thu hồi, thậm chí có nơi nhận khoán nhưng vẫn sử dụng sẽ... càng lãng phí thêm. Chưa kể, lợi dụng chính sách này để thanh lý xe công không đúng giá trị thực tế.

Từ thí điểm của TP Hà Nội cho thấy, việc khoán xe công là có thể thực hiện và thực hiện hiệu quả. Do vậy, tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí này cần được nhân rộng một cách mạnh mẽ và không nên chần chừ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không nên chần chừ thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.