Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi từ ý thức

Đình Hiệp| 29/01/2018 07:14

(HNM) - Phát biểu tại lễ ra quân “Năm an toàn giao thông 2018” và cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018 mới đây, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban An toàn giao thông TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.


Trong đó, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút là mục tiêu quan trọng trong nhiệm vụ đầu tiên.

Với sự vào cuộc quyết liệt cùng nhiều giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng, thời gian qua tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội cơ bản được cải thiện. Thế nhưng, tình hình trật tự, an toàn giao thông nói chung còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Nguyên nhân thì có nhiều, giải pháp cũng không thiếu, song, ùn tắc giao thông vẫn là mối bận tâm thường trực hằng ngày của người dân Hà Nội khi tham gia giao thông. Trong bối cảnh phương tiện cá nhân phát triển không ngừng, hạ tầng giao thông bị quá tải, giải quyết bài toán ùn tắc vẫn là nhiệm vụ cấp bách đối với Hà Nội.

Ngày 28-12-2017, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018. Kế hoạch nhằm tạo được sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ngành có liên quan trong việc bảo đảm trật tự - an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Năm 2018, thành phố đặt mục tiêu giải quyết hơn 10 điểm ùn tắc giao thông trong danh mục các điểm thống kê từ năm 2017 chuyển sang, giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí so với năm 2017. Để thực hiện được mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các “điểm đen” ùn tắc giao thông, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, trước mắt, cần rà soát toàn bộ những công trình đang triển khai trên các tuyến đường để thu hẹp và tháo dỡ rào chắn gây cản trở giao thông; tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm trật tự giao thông, lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến phố. Sở Giao thông - Vận tải thành phố cần bố trí thêm phương tiện giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận và ngược lại; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông…

Về lâu dài, trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, cần tiếp tục rà soát bổ sung vào Kế hoạch đầu tư trung và dài hạn nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, theo đúng tiến trình quy hoạch. Hoàn thành quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của nước ta còn khó khăn nên cơ sở hạ tầng về giao thông chưa làm tốt ngay được như các nước. Nhưng có hai yếu tố mà nếu cố gắng thực hiện sẽ gặt hái kết quả tốt. Đó là xây dựng ý thức của người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật; tổ chức vận hành cơ sở hạ tầng và các phương tiện giao thông công cộng, quản lý giao thông.

Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như hình ảnh một Thủ đô xanh - sạch - đẹp trong mắt du khách. Từng bước xây dựng văn hóa giao thông là hết sức quan trọng và cần được làm thường xuyên, liên tục để bảo đảm hiệu quả bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi từ ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.