Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một nguồn lực không nhỏ

Hà An| 02/02/2018 06:54

(HNM) - Chi thường xuyên là một nhiệm vụ chi cơ bản của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên về quản lý kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.


Chưa cần nói đến ý nghĩa quan trọng của tiết kiệm chi thường xuyên đối với việc phân phối và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính của quốc gia, giúp cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng; mà nói riêng trong lĩnh vực tài chính thì “tiết kiệm, hiệu quả” đã là một trong ba nguyên tắc của quản lý chi.

Việc Hà Nội thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên trong năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ chi thường xuyên từ 55,5% giảm xuống còn 53,5%. Khoản chắt chiu có được đã giúp thành phố tiết kiệm được gần 3.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần mua sắm tài sản công tập trung nhờ tính toán tiết giảm, ngân sách thành phố đã bớt được gánh nặng khoảng 400 tỷ đồng. Những khoản tiền giữ lại được nhờ cân đối khoản chi này chắc chắn sẽ giúp thành phố có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống người dân. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng góp phần hình thành nếp quản lý tài chính hiệu quả, tạo đột phá trong tư duy ngân sách, củng cố nền tài chính công, tạo nguồn lực cho thành phố trước những cơ hội đầu tư phát triển đang chờ đón.

Tuy nhiên, tiết kiệm chi cũng không chỉ có nghĩa chỉ là bớt chi mà còn là bảo đảm nguồn thu, không để lãng phí, sử dụng đúng và hiệu quả các khoản chi. Chính vì vậy, có thể thấy rõ có 3 nhóm giải pháp để hoạt động này tiếp tục được củng cố trong năm 2018 và những năm sau.

Trước hết, phải tiếp tục quán triệt tinh thần chi thường xuyên tiết kiệm, bởi không phải ai cũng nắm được đầy đủ nội hàm nhiệm vụ quan trọng này, ngay cả lực lượng thực hiện việc phân bổ nguồn chi cũng như sử dụng nguồn chi. Như Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã giao nhiệm vụ, thì Sở Tài chính phải tính toán, phối hợp với các sở, ngành liên quan để làm tốt công tác điều hành thu - chi ngân sách, chuẩn bị tốt các phương án tài chính cho giai đoạn sau. Ngành Tài chính cũng không phải ngẫu nhiên tiếp tục đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố tập trung triệt để trong việc tiết kiệm chi thường xuyên. Trong đó, một số khoản chi có thể chỉ rõ khả năng giảm chi cao như tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài…

Cùng với việc quán triệt tinh thần tiết kiệm chi thường xuyên như trên, để có nguồn tiết kiệm chi thì phải bồi đắp nguồn thu, trong đó những vấn đề nóng như thu hồi nợ thuế… phải được giải quyết tốt hơn nhờ sự phối hợp chặt chẽ và đổi mới về công cụ thực thi - tức là thủ tục hành chính. Nguồn lực tài chính từ đất đai cũng sẽ góp phần đáng kể vào tăng thu ngân sách nếu có giải pháp quản lý, khai thác đồng bộ.

Một điều quan trọng không kém khác còn là cách chi và hiệu quả sử dụng nguồn chi. Có thể kể tới nhiệm vụ phải bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong các khoản chi phục vụ an sinh xã hội. Đây chỉ là một trong những nội dung của chi thường xuyên, song lại có ý nghĩa không nhỏ, gián tiếp tạo động lực tăng niềm tin của người dân vào khả năng quản lý ngân sách hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Năm 2018 và những năm tới, Hà Nội đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn. Thực hiện tốt các nội dung của tiết kiệm chi thường xuyên cũng nhằm thực hiện phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và chủ đề năm 2018 của thành phố là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, góp phần tạo thêm nguồn lực để thành phố vươn xa hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một nguồn lực không nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.