Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch và rõ trách nhiệm

Chí Kiên| 06/02/2018 07:02

(HNM) - Giải phóng mặt bằng là công việc quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, do liên quan đến đất đai - một loại “hàng hóa đặc biệt”, nên đây là việc làm phức tạp, phải áp dụng nhiều cơ chế, chính sách khác nhau...


Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng dự án đầu tư xây dựng cơ bản triển khai lớn nhất cả nước. Do vậy, thời gian qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các dự án, nhất là dự án trọng điểm. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền, bám sát thực tiễn, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Nổi bật là Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 15-9-2016, về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.

Tuy vậy, vì tính chất phức tạp và nhạy cảm, công tác giải phóng mặt bằng không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nhất là những bất cập về cơ chế, chính sách như: Tình trạng một thửa đất hai chính sách đền bù; dự án giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm khiến chính sách áp dụng bị chồng chéo, thiếu thống nhất... Tiến độ giao đất dịch vụ cho người dân ở một số địa phương còn chậm, dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố. Từ thực tế này khiến không ít dự án rơi vào cảnh “án binh bất động” trong nhiều năm hoặc bất đắc dĩ thi công “xôi đỗ”… vì người dân có kiến nghị hoặc chưa hợp tác để bàn giao mặt bằng. Hệ lụy là thiệt hại về kinh tế, dự án đội vốn; cuộc sống người dân - những nơi thu hồi đất phục vụ dự án - bị ảnh hưởng; an ninh xã hội tiềm ẩn phức tạp…

Giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố, vì vậy, yêu cầu đặt ra với các cấp, các ngành là “rõ người, rõ việc”; đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, phải xác định làm tốt việc này để góp phần bảo đảm tiến độ các dự án, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng.

Theo đó, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt việc bồi thường, tái định cư cho người dân có đất ở bị thu hồi.

Đây là tiền đề quan trọng trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho người dân yên tâm về tư tưởng, thực hiện nghiêm các quy định của thành phố và giúp họ có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới… Các địa phương có đất nông nghiệp thu hồi đã được quy hoạch khu đất dịch vụ cần sớm hoàn thiện hạ tầng để bàn giao cho người dân; quyết liệt chống tái lấn chiếm, xử lý nghiêm vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai ở những dự án đã được quy hoạch và giải phóng mặt bằng; tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân vùng bị thu hồi đất...

Cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ dự án, khắc phục tình trạng hình thành dự án "treo", để đất hoang hóa, gây lãng phí cho xã hội và bức xúc cho người dân; tiếp tục rà soát quy hoạch, phân loại dự án trọng điểm, dự án lớn, dự án dân sinh bức xúc để ưu tiên giải quyết. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của trung ương, thành phố; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp cùng với tăng cường đối thoại với nhân dân, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hướng tới đích lớn nhất là thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi của người dân, giữ ổn định an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thành phố một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch và rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.