Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết nặng nghĩa tình

Tuấn Kiệt| 14/02/2018 06:35

(HNM) - Tết cổ truyền dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Những ngày này, mọi người, mọi nhà đang hối hả chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm.


Vì thế, từ nhiều năm qua, với tinh thần “tương thân, tương ái”, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Thật vui là năm 2017 vừa qua, đất nước đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là năm đầu của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, làm nền tảng thúc đẩy giảm nghèo bền vững; đặc biệt là tạo niềm tin, động lực, khuyến khích toàn xã hội cùng chung tay chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế.

Đón Xuân mới Mậu Tuất 2018 là dịp cao điểm các địa phương, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, các gia đình chính sách, đối tượng yếu thế. Đây là việc làm thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Từ nhiều ngày qua, trên khắp cả nước, hàng loạt hoạt động đã được tổ chức với mong muốn mang cái Tết vui vẻ, đầm ấm đến với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.

Tại Hà Nội, như truyền thống hằng năm, từ rất sớm thành phố đã đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo Tết cho công nhân lao động, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, thành phố đã dành hơn 288 tỷ đồng tặng quà tới các đối tượng hưởng chính sách người có công, người nghèo, người cao tuổi... Chương trình “Tết sum vầy” do Liên đoàn Lao động thành phố thực hiện đã huy động được hơn 1.270 tỷ đồng hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê ăn Tết… được tổ chức rộng khắp. Đó không chỉ thể hiện trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành và toàn xã hội mà nó chứa đựng bao nghĩa tình sâu nặng, để ngày Tết của đồng bào nghèo được trọn vẹn hơn.

Việt Nam là một trong những quốc gia được Liên hợp quốc đánh giá là hoàn thành trước thời hạn thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, số lượng người nghèo, người khó khăn còn rất lớn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Để lo Tết cho các đối tượng chính sách, người nghèo được chu toàn vẫn là thách thức không nhỏ, cần có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội. Các cấp, ngành, địa phương cần chủ động tổ chức vận động đóng góp, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và các hoạt động chăm lo Tết; có sự rà soát danh sách hộ nghèo chính xác để bảo đảm sự công bằng, khách quan và thiết thực...

Tất nhiên, chung tay chăm lo Tết cho người nghèo không thể chỉ bằng những suất quà, mà cần cả sự đồng hành, chia sẻ trong cuộc sống và trong lao động, sản xuất. Đổi mới phương thức hỗ trợ người nghèo theo hướng hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển sản xuất để mọi người có thể tự chủ được cuộc sống của mình; khuyến khích sự chủ động và phát huy nội lực của địa phương, của cộng đồng, với các hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm "không để ai bị bỏ lại phía sau”, giải quyết thỏa đáng gốc rễ dẫn đến cái nghèo...

Năm mới Mậu Tuất 2018 đã cận kề, hy vọng với sự chung tay của toàn xã hội, năm nay bà con nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ có được một cái Tết đong đầy yêu thương, vui vẻ, đầm ấm bên gia đình của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết nặng nghĩa tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.