Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thay đổi thói quen tiêu dùng

Đình Hiệp| 25/02/2018 07:01

(HNM) - Dù xuất trình đủ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như nguồn gốc sản phẩm, nhưng nhân viên chế biến thực phẩm không mang trang phục theo quy định; khu vực rửa bát đĩa còn bẩn, rác thải xả bừa bãi…


Năm nào cũng vậy, khi các lễ hội vào mùa cũng là lúc các dịch vụ “ăn theo” nở rộ. Với hàng nghìn lễ hội diễn ra trên cả nước, trong đó mỗi địa điểm có cả chục đến cả trăm hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống mọc lên, nhưng rất nhiều trong số đó không đáp ứng đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cả không khí văn minh của lễ hội.

Vì thế, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” tại các lễ hội do lượng người tập trung quá đông, việc kinh doanh mang tính chất thời vụ. Thực trạng này khiến việc kiểm soát an toàn thực phẩm khó khăn hơn. Đó là chưa kể do địa hình nhiều lễ hội lớn thường được tổ chức tại vùng địa hình phức tạp, có cả núi non, địa bàn không thuận tiện giao thông, việc cấp nước sinh hoạt không đơn giản, dẫn đến việc chế biến thức ăn thường qua loa, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đã vậy, nhiều địa phương vẫn “khoán trắng” công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ quan y tế. Mặt khác, việc phát hiện sai phạm và xử lý các cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn khó khăn, phức tạp. Có cơ sở khi đoàn kiểm tra đến thì đóng cửa, kiên quyết không tiếp nên rất khó khăn khi tiếp cận...

Để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” trong mùa lễ hội 2018 trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và kịp thời thông báo danh tính cơ sở, các sản phẩm vi phạm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết mà phòng, tránh, tẩy chay không sử dụng thực phẩm không an toàn.

Về phía các địa phương, cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ huyện đến xã, phường, thị trấn để thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống… Cùng với đó, cần quy hoạch địa điểm, bố trí nguồn nước sạch, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải bảo đảm an toàn về phục vụ với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội.

Đặc biệt chú trọng các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm; chỉ sử dụng nước sạch và nguyên liệu thực phẩm an toàn để chế biến làm đồ ăn; bảo quản thực phẩm an toàn; chỉ ăn thực phẩm đã được nấu chín, uống nước đã đun sôi...

Mùa lễ hội 2018 vừa bắt đầu trên mọi miền đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân dịp năm mới. Để vấn đề an toàn thực phẩm không còn là nỗi lo, đe dọa đến sức khỏe của du khách trẩy hội, chơi xuân, sự chung tay của toàn xã hội là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng cũng cần thay đổi những thói quen không tốt trong sử dụng thực phẩm hằng ngày, đặc biệt là thói quen ăn uống tại những nơi lễ hội đông người, để bảo đảm sức khỏe cho mình và có một mùa lễ hội thực sự vui tươi, lành mạnh, an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần thay đổi thói quen tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.