Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà nước và doanh nghiệp cùng nỗ lực

Duy Biên| 01/03/2018 07:06

(HNM) - Trong hơn 10 năm trở lại đây, những “thương hiệu” nổi bật của ngành Công nghiệp Thủ đô như: Bia Hà Nội, khóa Việt - Tiệp, dệt 10/10, quạt điện Thống Nhất, ổn áp LiOA, đồ gia dụng Sunhouse, máy biến áp EEMC Đông Anh... đã trở nên quen thuộc, được người dân Hà Nội và cả nước tin dùng.


Phải nói rằng, những “tên tuổi” này có thành công hôm nay một phần nhờ "Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực" của TP Hà Nội được xây dựng từ năm 2005. Chương trình nhằm tập trung hình thành các ngành công nghiệp có lợi thế trên địa bàn, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tạo điều kiện hỗ trợ nhiều doanh nghiệp phát triển. Và trên thực tế, ở chiều khác, người tiêu dùng đã có nhiều hơn cơ hội được sử dụng những sản phẩm chất lượng cao hơn.

Tuy vậy, xét về tổng thể, đến nay chương trình mới thu được kết quả khá khiêm tốn. Điều đó thể hiện qua mục tiêu là năm 2015, tổng doanh thu của sản phẩm công nghiệp chủ lực chiếm 30 - 35% giá trị sản phẩm công nghiệp và chiếm 10 - 15% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thủ đô, thế nhưng kết quả là: Các sản phẩm công nghiệp chủ lực chỉ chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm khoảng 4,5% giá trị kim ngạch xuất khẩu... Đáng lưu ý, những thương hiệu gắn liền với giá trị của hàm lượng khoa học kỹ thuật cao để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức vẫn còn quá ít và quy mô chưa lớn.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào giá trị sản xuất công nghiệp của Thủ đô rất quan trọng và tối cần thiết.

Thực tế, thành phố hiện đã từng bước đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực này, dần hoàn thiện Khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, hình thành Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo, Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy... Vấn đề đặt ra là phải tìm thêm những giải pháp phù hợp, đặc biệt là thực hiện những giải pháp đó một cách hiệu quả, tạo được động lực để các doanh nghiệp có cơ hội bứt phá.

Đầu tiên, để có thể xây dựng được sản phẩm công nghiệp chủ lực thật sự, cần có cả sự chủ động của doanh nghiệp và sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước trong quá trình đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, bắt kịp xu thế phát triển. Sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư là những vấn đề rất quan trọng, bởi chúng quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, mà bản thân doanh nghiệp rất khó có thể tự làm được. Công nghiệp Hà Nội chỉ có thể bước vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chắc chắn, tự tin khi phát triển được nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với kỹ thuật cao, hàm chứa nhiều giá trị trí tuệ, công nghệ tiên tiến như khoa học máy tính, công nghệ thông tin, viễn thông, vệ tinh, rô bốt...

Về phía các doanh nghiệp, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, chiến lược kinh doanh, đi đôi với đó là chủ động liên kết với các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị để tạo ra những hàng hóa có hàm lượng giá trị công nghệ cao. Đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong sản xuất với chữ "tín" làm đầu để cùng lớn mạnh, đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao hơn.

Từ các cơ chế, chính sách đúng đắn, cụ thể, hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của Nhà nước và thành phố, cộng với sự nỗ lực cao độ của chính các doanh nghiệp, tin rằng, các sản phẩm, lĩnh vực công nghiệp chủ lực sẽ có phát triển bứt phá, khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế của Thủ đô. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước và doanh nghiệp cùng nỗ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.