Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải biết “nhìn nhau”!

Dục Tú| 04/03/2018 06:30

(HNM) - Cho đến nay, sau một khoảng thời gian dài phát triển tương đối tự phát, hình thức du lịch di sản văn hóa bắt đầu có nét bài bản và thể hiện tính tổ chức hơn - dù chưa đạt tầm mức như yêu cầu đặt ra.


Nói cách khác, sự gắn kết giữa di sản văn hóa và du lịch là quan trọng, nhưng trong mối quan hệ đó, mỗi bên cần ứng xử có trách nhiệm với lợi ích chung. Phải biết “nhìn nhau”, bảo đảm quyền lợi của các bên thay vì chỉ biết mình và bằng mọi giá đạt được điều đó.

Sự thay đổi theo hướng tích cực nói trên được hình thành sau những hạn chế trong quá trình tận dụng nguồn tài nguyên du lịch mà chúng ta đã phải đón nhận trong quá khứ, hoặc xuất phát từ hiệu quả chưa xứng với tiềm năng của một số đề án liên kết phát triển du lịch di sản, như “Con đường di sản miền Trung”… Một số ý tưởng đáng quan tâm khác, như thiết lập tuyến du lịch qua các kinh đô Việt cổ, sau gần một chục năm, qua hai cuộc khảo sát của người trong cuộc, nay vẫn dừng ở mức “khởi động”.

Ở tầm mức lớn hơn, có thể tính đến sự hình thành mối liên kết vùng về du lịch dựa trên điều kiện về địa lý và nguồn tài nguyên, bao gồm hệ thống di sản, như tứ giác Bắc Bộ - Hà Nội, Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam…, đến nay vẫn chưa thật sự rõ hiệu quả.

Sự hạn chế do nhiều nguyên nhân; với những mối liên kết vùng chủ yếu là sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các địa phương; với những dự án phối hợp của ngành Văn hóa và du lịch trong cùng một tỉnh, thành phố hay ở mức khiêm tốn hơn - giữa các doanh nghiệp du lịch và ban quản lý một di sản nào đó, hiệu quả phối hợp không cao là bởi mỗi bên quan tâm tới lợi ích riêng, ngắn hạn thay vì dành sự quan tâm cho cả hai phía, cùng chia sẻ lợi ích và khó khăn vì sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Trong bối cảnh nói trên, những ví dụ về sự hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong việc tạo ra sản phẩm thú vị về truyền thống hiếu học, hay những nỗ lực của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong việc tạo ra những sản phẩm mới nhằm thu hút khách du lịch là đáng trân trọng. Nhưng đó mới là nỗ lực từ một phía - được thực hiện bởi ban quản lý di tích và cơ quan quản lý thiết chế văn hóa trên địa bàn nhằm tạo ra sản phẩm mới.

Sự gắn kết quan trọng hơn, được chờ đợi nhiều hơn liên quan tới mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch: Các đơn vị văn hóa cố gắng tạo sản phẩm đặc sắc để phục vụ khách du lịch, và đến lượt mình, ngành Du lịch phải thực hiện cam kết tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa bằng cách hình thành tư duy du lịch có trách nhiệm thay vì làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng. Du lịch di sản là loại hình giàu tiềm năng bởi rất nhiều du khách muốn thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa trong quá trình dịch chuyển và đối tượng khách này thường đi thăm nhiều nơi hơn, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn so với khách du lịch với mục đích khác.

Bởi vậy, việc khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch là phần việc quan trọng, nhưng phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc cơ bản: Các bên liên quan cùng hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhưng đồng thời phải bảo đảm hoạt động khai thác không ảnh hưởng tiêu cực tới di sản. Mối quan hệ gắn kết cần tạo dựng trong hoạt động du lịch di sản, vì thế, không chỉ thể hiện trong việc đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách, mà còn là bảo tồn di sản, giữ gìn môi trường văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải biết “nhìn nhau”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.