Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thế hệ công nhân 4.0

Minh Thúy| 07/04/2018 06:26

(HNM) - Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn và ngày càng khẳng định vị thế đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Hà Nội hiện có khoảng 2,5 triệu công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, chiếm 33% dân số và chiếm 66% tổng số lao động của thành phố, đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của giai cấp công nhân cả nước nói chung và thành phố nói riêng. Trong thời kỳ "dân số vàng", lực lượng công nhân Thủ đô cũng năng động, ham học hỏi, thích ứng nhanh với khoa học, công nghệ, với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế... Thế mạnh này giúp đội ngũ công nhân ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.


Từ khi Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành, Hà Nội đã xây dựng Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XIV) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Từ đó đến nay, Hà Nội đã triển khai hàng loạt các biện pháp, từ ban hành văn bản đến những hành động thiết thực, có chiều sâu. Đó là việc quy hoạch phát triển mạng lưới hệ thống các trường, trung tâm dạy nghề; thiết lập nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho lao động khu vực nông thôn, lao động thuộc diện giải phóng mặt bằng; tạo việc làm cho nhiều đối tượng thông qua trung tâm giới thiệu việc làm…

Đặc biệt, bằng việc tăng cường đối thoại với người lao động, lãnh đạo thành phố đã tìm ra nhiều giải pháp để nâng cao đời sống cho công nhân như xây dựng nhà ở, đầu tư các thiết chế văn hóa, xã hội; bảo đảm chế độ, chính sách và tăng thu nhập cho họ…

Là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ, Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế đang tồn tại trong 10 năm qua, từ đó tìm hướng khắc phục. Và để đạt mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về lượng và chất, có bản lĩnh chính trị; nhạy bén và vững vàng trước những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước... hơn ai hết, chính giai cấp công nhân phải tự củng cố và có nhận thức rõ hơn về vai trò của mình. Cần thay đổi tư tưởng "thích làm thầy hơn làm thợ" của nhiều lao động hiện nay. Từ đó, việc hướng nghiệp trong các cấp học phổ thông phải thực chất, định hướng được nghề nghiệp cho học sinh và phải làm tốt dự báo nhu cầu lao động theo ngành nghề, trình độ.

Để ngày càng đáp ứng yêu cầu hội nhập, giai cấp công nhân cần được nâng cao hơn nữa về trình độ chính trị, ý thức giai cấp, cũng như tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động. Mặt khác tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và hoạt động của tổ chức công đoàn, các hội... Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho công nhân phải không ngừng hoàn thiện. Trong đó đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người sử dụng lao động trong tuân thủ pháp luật lĩnh vực này. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong doanh nghiệp; xử lý nghiêm các chủ thể vi phạm. Đồng thời, tôn vinh nhiều hơn nữa những lao động giỏi, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

Hoàn thiện mục tiêu của Nghị quyết 20-NQ/TƯ sẽ là động lực để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, công nhân thế hệ 4.0 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo sức bật cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thế hệ công nhân 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.