Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức cho nền kinh tế

Nữ Quỳnh| 12/04/2018 06:50

(HNM) - Trong kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán là một thành tố tạo nên nền tài chính quốc gia. Kể từ khi ra đời, thị trường chứng khoán nước ta có tác động đến nền kinh tế của đất nước không hề nhỏ.


Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I-2018 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố ngày 10-4, nhấn mạnh các mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Rõ ràng, những thông tin tốt từ nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng với thị trường chứng khoán, và ngược lại.

Sau một thời gian ảm đạm, mấy năm vừa qua, số lượng người tham gia thị trường chứng khoán ngày càng nhiều, tính thanh khoản tăng liên tục, khối ngoại phát triển khá mạnh, cho thấy mức độ quan tâm ngày càng tăng của xã hội đến thị trường này. Bức tranh triển vọng nền kinh tế nói chung, nhất là từ nửa cuối năm 2017 đến nay đang có diễn biến tích cực, khiến cho nhiều người tin tưởng thị trường chứng khoán năm 2018 sẽ có nhiều khởi sắc do được hỗ trợ từ sự nâng hạng thị trường; hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; một loạt doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, IPO thành công ngoạn mục... cũng giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định.

Thực tế, không ai phủ nhận thị trường chứng khoán đã và đang mang lại những tác động tích cực tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam, trở thành kênh huy động vốn quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù thế nào thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có không ít rủi ro. Người ta thường nói, chơi chứng khoán chính là "lên thang bộ, xuống thang máy". Bởi vậy, quản trị rủi ro luôn phải là ưu tiên số một trong điều hành hoạt động của thị trường chứng khoán. Chính vì thế, Nhà nước cần có các biện pháp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư mới có thể huy động nhiều hơn nữa nguồn tiền nhàn rỗi đổ vào chứng khoán.

Với sự phát triển của mình, thị trường chứng khoán hỗ trợ rất nhiều cho công tác cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu phải gắn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Điều này làm nên tính minh bạch cho hoạt động cổ phần hóa. Về cơ bản, nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đã sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn; tính công khai minh bạch, trình độ quản trị trong các doanh nghiệp cổ phần hóa không ngừng được nâng cao.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực từ “bong bóng” (nếu có) trên thị trường chứng khoán và khả năng kiểm soát lạm phát, tiếp sức cho nền kinh tế nói chung. Trong thực tế, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, khắc phục yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước hiện còn chậm; việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu, xử lý nợ xấu còn hạn chế; chất lượng đầu tư công chưa cao... sẽ là những yếu tố bất lợi kìm chế sự phát triển của thị trường.

Trước mắt, để thuận lợi cho cả chứng khoán và nền kinh tế nói chung, cần điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô. Mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, nhằm hỗ trợ quá trình cơ cấu lại và xử lý nhanh nợ xấu. Đặc biệt, trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường... Làm sao để tận dụng tốt nhất sự hỗ trợ từ thị trường chứng khoán đối với sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.