Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể đi trước, về sau

Đình Hiệp| 18/04/2018 06:46

(HNM) - “Hà Nội cần phải có bước đột phá về nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới. Chúng ta không thể để Thủ đô mà lại đi cuối về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp!”.


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị giao ban quý I-2018 về Chương trình 02 mới đây. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng khẳng định quyết tâm sớm đưa Hà Nội trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Đây cũng là mong muốn và mục tiêu hướng tới của những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp Thủ đô.

Không phải bây giờ, mà từ lâu câu chuyện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đã luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế của Hà Nội. Nhờ đó, thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng.

Thế nhưng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Hà Nội vẫn chậm và phần nào còn mang tính tự phát. Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi có tăng, nhưng chất lượng chưa cao. Trên địa bàn đã hình thành một số vùng chuyên canh quy mô lớn, song vẫn còn nhiều mô hình chuyển đổi còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Hà Nội được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng vì sao lại chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?

Có nhiều nguyên nhân để trả lời cho câu hỏi này. Trong đó, đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao, lợi nhuận thấp, thiếu vùng nguyên liệu, đất đai, hạ tầng, vốn, chưa có cơ chế chính sách khuyến khích... cùng với nhiều rào cản khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh là những lý do khiến doanh nghiệp còn e ngại.

Năm 2018 là năm thứ 3 TP Hà Nội thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” và "Kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020". Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

Để tái cơ cấu đạt hiệu quả, thì những rào cản gây ảnh hưởng tới việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như: Đất đai, tín dụng, khoa học, công nghệ… cần sớm được tháo gỡ. Cùng với đó, bản thân ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại sản xuất. Cụ thể, lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, ứng dụng khoa học, công nghệ làm đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu phát triển. Về phía thành phố, cần tạo điều kiện hơn nữa trong các chính sách về thuế, đất đai, các thủ tục hành chính; đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, giảm thủ tục hành chính... để khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Hà Nội đã và đang tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để bứt phá nhanh, có thể cạnh tranh được với các nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực thời hội nhập thì không thể để về sau so với các địa phương. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể đi trước, về sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.