Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ bề rộng đến chiều sâu

Dục Tú| 19/04/2018 05:50

(HNM) - Sáng 18-4, tại Hà Nội, Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam năm 2018 đã khai mạc tại Công viên Thống Nhất. Đây là hoạt động thường niên, tới nay đã là lần tổ chức thứ 5.


Với những ai có mặt ở lễ khai mạc Hội sách tại Hà Nội, ấn tượng lớn nhất là sự tham gia của đông đảo bạn đọc. Sự hào hứng, mối quan tâm, ý thức tìm cho mình những cuốn sách có ý nghĩa thiết thực của bạn đọc ở mọi lứa tuổi, thành phần cho thấy nhiều điều, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, tọa đàm - giao lưu tác giả/tác phẩm… được tổ chức thường xuyên.

Sự có mặt của đông đảo bạn đọc cho thấy sách vẫn luôn là người bạn đồng hành của người Hà Nội, là thứ không thể thiếu trong đời sống dù những phương tiện giải trí “thời thượng” như truyền hình, ebook, chương trình giải trí qua internet đang có ưu thế nhất định. Đó là tiền đề xây dựng văn hóa đọc, qua đó, góp phần thúc đẩy xã hội học tập, nâng cao tri thức, xây dựng con người hội đủ đức - trí - thể - mỹ.

Lễ khai mạc Hội sách tại Hà Nội là hoạt động mang tính điểm nhấn cho chương trình Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Trên thực tế, từ cuối tháng 3, các hoạt động trong chương trình hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 2018 đã được tổ chức tại nhiều nơi, từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang đến Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai…

Điều đáng chú ý là so với lần tổ chức đầu tiên, sức lan tỏa của chương trình Ngày Sách Việt Nam 21-4 ngày một lớn hơn; chương trình quảng bá sách, thúc đẩy văn hóa đọc không chỉ diễn ra ở đô thị, mà đã “về” với bạn đọc vùng sâu, vùng xa. Những ngày hội sách luôn đi kèm chương trình tặng sách cho thư viện trường học, thư viện xã, huyện khó khăn, giúp cho những nơi này có thêm điều kiện để khuyến khích sự đọc, sự học.

Về thực chất, có thể thấy chúng ta đã tạo được nền tảng ban đầu cho việc khích lệ văn hóa đọc trên diện rộng thông qua sức lan tỏa của chương trình Ngày Sách Việt Nam, những hội sách được tổ chức thường xuyên, hệ thống thư viện được hình thành trên phạm vi cả nước kèm theo mô hình thư viện lưu động, thư viện bưu điện xã, thư viện trường học…

Giờ là lúc thích hợp để nghĩ nhiều hơn đến chiều sâu của phong trào đọc sách, xem xét từng cấp độ phát triển văn hóa đọc - hình thành ý thức đọc sách thường xuyên; cách chọn sách và hình thành kỹ năng đọc; ứng dụng những điều đã đọc, đã học vào cuộc sống. Với hai cấp độ đó, “độ khó” là rất lớn bởi vấn đề không chỉ là có sách hay không, mà là có sách gì, chọn gì để đọc, đọc như thế nào, ứng dụng ra sao.

Những câu hỏi trên không chỉ liên quan đến ý thức đọc và hiểu về ý nghĩa của sự đọc ở mỗi người, mà còn liên quan tới trách nhiệm của cơ quan quản lý hoạt động xuất bản, in, phát hành sách, của các nhà xuất bản và chính quyền địa phương. Trách nhiệm đó, ngoài tổ chức hoạt động quảng bá sách ở cơ sở, đưa sách về địa bàn khó khăn, còn là tăng cường tuyên truyền về văn hóa đọc, cách đọc, chọn sách và tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa bổ trợ cho sự đọc.

Những bài học đầu tiên về sự đọc cần được thực hiện tại nhà trường, thông qua các tiết học tại thư viện với sự tham gia của đội ngũ tác giả uy tín, chuyên gia tâm lý học, nhà quản lý hoạt động xuất bản, thư viện. Phụ huynh có thể góp sức vào việc này, bằng cách đưa trẻ em đến gần môi trường đọc, mua sách cho trẻ và khuyến khích các em đọc ở mọi lúc, mọi nơi. Mô hình ngày hội đọc sách cần được nâng cấp chất lượng, hướng đến việc đáp ứng nhu cầu đọc và tìm hiểu về sự đọc của người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em ở vùng khó khăn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ bề rộng đến chiều sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.