Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện để khắc phục

Duy Biên| 21/04/2018 06:25

(HNM) - Hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, mang đặc thù riêng và cần sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát.


Xét về mặt tổng quan, thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng đã ngày càng được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đã bộc lộ những bất cập, gây ra những khó khăn, vướng mắc. Đáng mừng là những "rào cản" này đã, đang được Chính phủ, các ngành, các địa phương nhận diện thẳng thắn để tìm giải pháp tháo gỡ.

Những bất cập đã được chỉ rõ, như hoạt động đầu tư xây dựng hiện đang chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật... Chưa kể, hệ thống quy định chồng chéo, rườm rà, còn gây lãng phí, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí của chủ đầu tư do phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần, phải liên hệ giao dịch với nhiều cơ quan khác nhau.

Thậm chí, lợi dụng cơ chế, chính sách bất cập, một bộ phận cán bộ, công chức còn tìm cách gây phiền hà, nhũng nhiễu, để trục lợi. Sâu hơn nữa là hiện tượng thất thoát trong đầu tư xây dựng; một số dự án sử dụng vốn đầu tư công quy mô lớn bị dừng, giãn tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện...

Thực tế đó đòi hỏi phải khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý đầu tư xây dựng. Vấn đề là những nội dung còn vướng mắc, bất cập thuộc cấp nào, lĩnh vực nào cần được nhìn nhận rõ để có điều chỉnh phù hợp. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra: “Đối với các thể chế pháp luật thuộc thẩm quyền Quốc hội thì nghiên cứu, sớm trình Quốc hội. Đối với các nghị định, thông tư, quy định do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành thì cần sửa ngay, để tạo điều kiện cho phát triển”. Cụ thể hơn là đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục không cần thiết thì kiên quyết loại bỏ hoặc lồng ghép cùng các thủ tục khác...

Cùng với việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong đầu tư xây dựng, cũng phải “tuyên chiến” với tình trạng phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp, coi đây là yêu cầu với tất cả cán bộ, công chức. Đặc biệt, hiện nay tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn khá nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát; từ khâu lập quy hoạch, nghiên cứu dự án đến phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu... đều có "hình bóng" của tiêu cực.

Do vậy, bên cạnh việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời thay thế ngay những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý đầu tư, xây dựng.

Có thể thấy, những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng đã làm hạn chế sự phát triển của lĩnh vực này. Nếu những vấn đề đó sớm được nhận diện, tháo gỡ, sẽ giúp giải phóng năng lực sản xuất, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện để khắc phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.