Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt chấn chỉnh toàn diện

Chí Kiên| 26/04/2018 06:50

(HNM) - Tnh trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực cũng như sức khỏe người dân, tác động xấu đến môi trường...

Một con số đáng giật mình là, tình trạng sử dụng phân bón giả, kém chất lượng đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam mỗi năm từ 2 đến 2,5 tỷ USD. Điều đáng nói, đây mới là thiệt hại đơn thuần do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón. Thiệt hại và hậu quả lâu dài chưa đo đếm được là suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt”, ô nhiễm môi trường. Từ đó, nông dân phải đầu tư tiền bạc khắc phục, dẫn đến chi phí sản xuất tăng thêm, lợi nhuận mùa vụ bị giảm sút.

Đáng bàn hơn, tình trạng trên còn là tác nhân làm chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, thậm chí gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đe dọa trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh nông sản Việt Nam đang hướng tới nâng cao uy tín, mở rộng thị trường quốc tế, thì sự không bảo đảm chất lượng sản phẩm do “vô tình” hay “hữu ý” sử dụng phân bón giả, kém chất lượng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu. Ngoài ra, phân bón giả, kém chất lượng gây rối loạn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới các đơn vị làm ăn chân chính.

Rõ ràng, đòi hỏi quyết liệt chấn chỉnh toàn diện thị trường phân bón hiện nay là rất cấp thiết để hướng đến phục vụ tốt hơn cho hàng triệu héc ta đất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản và tham gia thị trường phân bón quốc tế. Trong đó, Nghị định số 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón vừa được Chính phủ ban hành, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần đưa lĩnh vực này từng bước đi vào nền nếp, nhất là nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh phân bón.

Tuy vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm minh cơ sở vi phạm theo quy định, vấn đề cốt lõi hiện nay là cần quy hoạch, tổ chức lại thị trường phân bón Việt Nam. Theo đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần căn cứ nhu cầu từng vùng miền để cấp phép hoạt động cho cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, đồng thời củng cố, tổ chức lại các trung tâm khảo nghiệm, kiểm định; khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo kém hiệu quả, phát triển thị trường phân bón ồ ạt và thiếu định hướng, quy chuẩn hợp quy nhiều…

Một việc cần thiết nữa là phải bảo vệ quyền lợi của nông dân. Cụ thể, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương cần phối hợp tuyên truyền cho nông dân phân biệt đâu là phân bón giả - phân bón thật; đâu là phân bón bảo đảm chất lượng - đâu là loại phân bón kém chất lượng...; hỗ trợ sử dụng phân bón an toàn, hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, bản thân người nông dân cũng cần chủ động tìm hiểu và kiên quyết tẩy chay, tố giác sản phẩm giả, kém chất lượng.

Thực tế, để ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoành hành cũng cần đến trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón làm ăn chân chính. Các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của mình trên thị trường; đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng đến tận người tiêu dùng; tham gia cùng cơ quan chức năng vạch trần chiêu bài của đơn vị làm ăn gian dối…

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần chủ trì phối hợp với bộ, ngành liên quan sớm ban hành bộ quy chuẩn về phân bón Việt Nam, đồng thời quy định rõ các lần giám định cần thiết. Bên cạnh đó, phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm thi hành nhiệm vụ với cán bộ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong quản lý, giải quyết vấn đề này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt chấn chỉnh toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.