Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để có những bể bơi an toàn

Đình Hiệp| 29/04/2018 06:39

(HNM) - Trong những ngày hè nóng nực, nhiều người thường tìm đến các bể bơi để “giải nhiệt”. Với trẻ em, bơi lội không chỉ giải tỏa cái nóng ngày hè mà còn là môn thể thao yêu thích để rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống, chống tai nạn đuối nước…


Thực tế, nhiều bể bơi trên địa bàn TP Hà Nội không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhằm giúp trẻ em có môi trường an toàn, sạch sẽ. Thế nhưng, do số lượng bể bơi chưa nhiều, trong khi lượng người bơi tập trung đông vào mùa hè và một thời gian nhất định trong ngày khiến các bể đều bị quá tải, dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm vệ sinh, gây tác hại đối với sức khỏe con người.

Nội thành đã thiếu bể bơi, khu vực ngoại thành Hà Nội lại càng thiếu, chứ chưa nói đến bể đạt chuẩn theo quy định. Vì thế, cứ mỗi khi hè đến, tại nhiều huyện lại xuất hiện tình trạng các bể bơi "chui" hoạt động. Dù biết không an toàn, nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nhưng nhiều người vẫn chấp nhận mua vé bơi vì không còn lựa chọn nào khác.

Theo Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 19-1-2018, quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn, mỗi bể phải có tối thiểu 6 phao cứu sinh, 6 sào cứu hộ, có vạch, biển báo độ sâu. Phải bảo đảm ít nhất 1 người/1m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1m) hoặc 1 người/2m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1m trở lên). Mỗi người hướng dẫn tập luyện cho không quá 30 người hoặc không quá 20 người đối với trẻ em dưới 10 tuổi trong một buổi tập. Các bể bơi cũng phải bảo đảm quy định về thời gian hoạt động, vệ sinh, môi trường, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ…

Quy định là vậy, nhưng không phải bể bơi nào cũng thực hiện đúng, nhất là với những bể bơi do tư nhân đầu tư, quản lý. Với nhu cầu lớn và tình trạng quá tải trong những ngày hè cao điểm, người ta thường dễ bỏ qua các quy định. Trong khi đó, lực lượng chức năng khi kiểm tra chỉ quan tâm đến vệ sinh môi trường và nguồn nước, chứ chưa chú ý đến diện tích bể, nên mới để xảy ra tình trạng nhiều bể có diện tích quá nhỏ nhưng vẫn bán vé ồ ạt.

Vì thế, để có những bể bơi an toàn rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cũng như ý thức tự giác chấp hành quy định về an toàn bơi của các chủ đầu tư, bậc phụ huynh khi đưa con đi bơi; và cộng đồng trách nhiệm trong giám sát của xã hội.

Theo đó, các cơ quan chức năng của thành phố, qua kiểm tra, phát hiện sai phạm phải nhắc nhở, có biện pháp buộc chủ bể bơi khắc phục ngay những tồn tại như không bảo đảm an toàn hay chất lượng nguồn nước không bảo đảm. Cùng với đẩy mạnh xã hội hóa, chính quyền các địa phương cần quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp các bể bơi chưa đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu thiết thực của con em mình.

Về phía các đơn vị kinh doanh, cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý; thực hiện tốt các quy định về công tác cứu hộ, cứu đuối; bảo đảm về y tế, chất lượng nguồn nước… Nước tại bể bơi phải được xử lý khử trùng, tiêu diệt các thành phần gây ô nhiễm nước trước khi sử dụng. Đối với các bậc phụ huynh khi đưa con em đến bể bơi cần có sự giám sát chặt chẽ; đồng thời nhắc nhở chấp hành nghiêm các quy định để tránh tai nạn đuối nước có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để có những bể bơi an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.