Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích dần được khẳng định

Chí Kiên| 05/05/2018 06:29

(HNM) - Chất lượng môi trường sống ở đô thị phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh...

Lợi ích rõ nhất của việc đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường là đường phố sạch sẽ hơn, môi trường trong lành hơn; người dân bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định, số điểm tập kết rác thải tự phát giảm đáng kể. Công tác thu gom rác được cơ giới hóa vừa góp phần cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, nâng cao hiệu quả thu gom rác, vừa tạo hình ảnh văn minh cho bộ mặt đô thị... Những đổi thay này khẳng định chủ trương của UBND TP Hà Nội là đúng đắn và phù hợp cả trước mắt và lâu dài.

Thực tế cho thấy, phương thức giao kế hoạch cung cấp các dịch vụ công ích vệ sinh môi trường như trước đây không còn phù hợp, do chưa bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, chưa tạo ra động lực để doanh nghiệp đầu tư nhân lực, công nghệ nhằm tiết giảm chi phí trong quá trình hoạt động. Và rõ ràng, kể từ khi đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường, tình trạng trên đã dần được khắc phục, quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ được nâng lên, ý thức người dân thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Ở góc độ rộng hơn, việc đấu thầu giúp mọi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội được tham gia, ghi nhận năng lực chuyên môn. Việc chia nhỏ gói thầu đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và mang lại lợi ích kép là đơn vị cung ứng dịch vụ có thêm nguồn thu, từ đó đóng góp vào ngân sách, người dân hài lòng vì dịch vụ tốt, tiết kiệm.

Để chủ trương này đi vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa, bên cạnh khắc phục ngay những bất cập như hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho cơ giới hóa vệ sinh môi trường; lắp đặt thùng rác ở vị trí phù hợp…, thì việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về đấu thầu dịch vụ công ích là rất cần thiết. Trong đó, đặc biệt là xem xét kéo dài thời gian hợp đồng đấu thầu bảo đảm phù hợp để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị... Ngoài ra, cần xây dựng định mức, khung giá (trần và sàn) chung cho việc xử lý chất thải theo từng loại công nghệ xử lý như chôn lấp hợp vệ sinh, đốt rác phát điện, sản xuất phân bón,… để các địa phương, nhà đầu tư có cơ sở xây dựng đơn giá sát thực tế. Cùng với đó, có thể nghiên cứu xã hội hóa quyền khai thác theo đúng quy định pháp luật tại các tuyến phố được cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường. Phương án này vừa giúp thành phố không phải chi tiêu ngân sách quá nhiều, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Việc xây dựng, triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn cần được cơ quan chức năng và người dân thực hiện đồng bộ, nghiêm túc để tạo thuận lợi cho đơn vị vệ sinh môi trường.

Một thực tế nữa cần nhìn nhận, việc đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường mang tính cạnh tranh cao nhưng mặt trái là không loại trừ có những đơn vị năng lực yếu kém đã bỏ giá thấp để trúng thầu, sau đó thực hiện hợp đồng không nghiêm túc, không bảo đảm quy trình và tiêu chuẩn xử lý. Vì vậy, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiểm soát tốt việc thực hiện những cam kết của các doanh nghiệp trúng thầu; kiên quyết chấm dứt hợp đồng với những đơn vị không thực hiện đúng cam kết hoặc để xảy ra nhiều yếu kém.

Bảo vệ môi trường là quyền lợi, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Vì vậy, việc kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các biện pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả, là những giải pháp hữu hiệu, lâu dài cần duy trì trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích dần được khẳng định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.