Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục

Đình Hiệp| 13/05/2018 06:33

(HNM) - Học ngoại ngữ là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhu cầu học của người dân ngày một lớn, nhưng việc lựa chọn được một cơ sở uy tín để học là điều không đơn giản trước “ma trận” các trung tâm ngoại ngữ hiện nay.


Chỉ cần gõ từ khóa “Trung tâm tiếng Anh” hay “Trung tâm ngoại ngữ” trên Google chúng ta có thể tìm được hàng nghìn kết quả với những lời quảng cáo "có cánh" về chất lượng dạy học. Không ít trung tâm cam kết “học với giáo viên bản ngữ”, nhưng thực chất chỉ là “tây ba lô” không có nghiệp vụ sư phạm. Những lớp học kiểu này được mở ra khá dễ dàng và chủ yếu dựa vào uy tín của một số cá nhân để thông báo tuyển sinh trên các trang mạng xã hội. Điều này lý giải vì sao chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất của nhiều trung tâm ngoại ngữ không như quảng cáo.

Việc Công ty MST, nơi có giáo viên chửi mắng học viên với những lời lẽ thô tục lan truyền trên mạng xã hội vừa qua, có tới 3 cơ sở hoạt động không phép không phải là hiện tượng mới. Trên thực tế vẫn tồn tại nhiều trung tâm ngoại ngữ chưa đăng ký hoạt động theo quy định, vì nhiều lý do như không đủ các điều kiện về bằng cấp, cơ sở vật chất… nên hoạt động “chui”. Trong khi đó, công tác quản lý còn lỏng lẻo nên dẫn đến hiện tượng phản giáo dục trong môi trường sư phạm thời gian qua.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 1.100 cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trong đó tỷ lệ trung tâm ngoại ngữ, tin học chiếm hơn 50%. Dù danh sách các trung tâm này được công bố công khai trên cổng thông tin của Sở, song hoạt động của các công ty, trung tâm dịch vụ giáo dục này như thế nào là điều đáng bàn.

Trước thực trạng gây bức xúc dư luận trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn số 1838/BGDĐT-GDTX gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm về việc tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Theo đó, các đơn vị này phải đánh giá tổng thể về các trung tâm đang hoạt động trên địa bàn hoặc phạm vi quản lý; yêu cầu siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học và các trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn.

Để hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trong đó có các trung tâm ngoại ngữ đi vào nền nếp thì các cơ quan chức năng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về thành lập, cấp phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng... Cùng với xử lý kiên quyết vi phạm, việc công khai thông tin danh sách trung tâm ngoại ngữ, tin học cả công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn được cấp phép hoạt động là rất cần thiết. Điều này, một mặt giúp người học có thông tin chính xác về cơ sở đào tạo theo học; mặt khác chính quyền địa phương dễ dàng hơn trong giám sát và xử lý các sai phạm nếu có.

Không thể phủ nhận việc có nhiều trung tâm ngoại ngữ sẽ thuận lợi hơn cho người học. Thế nhưng, qua sự việc đáng tiếc xảy ra ở cơ sở dạy ngoại ngữ của Công ty MST, cho thấy đã đến lúc cần kiểm tra, rà soát các trung tâm giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội. Về phía người học, cần tìm hiểu kỹ thông tin về trung tâm mình dự định đăng ký học để đồng tiền bỏ ra xứng đáng với kiến thức thu nhận được. Việc quản lý phải làm thường xuyên, liên tục đừng để khi xảy ra việc đáng tiếc mới "vào cuộc", "cảnh báo".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.