Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Màng lọc" hữu hiệu

Tuấn Kiệt| 29/05/2018 06:51

(HNM) - Nước đóng chai tinh khiết nhưng lại không sạch. Câu chuyện kiểm soát loại sản phẩm thiết yếu này tưởng như đơn giản nhưng xem ra lại rất phức tạp.


Theo quy định, sản phẩm nước uống đóng chai muốn được chứng nhận bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm phải được kiểm định 14 tiêu chí về lý, hóa, vi sinh. Sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc, phải bảo đảm 28 tiêu chí trước khi đóng bình...

Tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng là vậy, nhưng thực tế việc kiểm soát chất lượng sản phẩm này là một thách thức không hề nhỏ với cơ quan quản lý. Với người tiêu dùng, lựa chọn được sản phẩm nước an toàn còn khó hơn nhiều lần!

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 477 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá. Sản phẩm nước uống này được sử dụng phổ biến tại các cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng và trong nhiều gia đình. Nhu cầu thị trường cao nên số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai ngày càng gia tăng về cả quy mô và công suất. Nhưng chủ yếu vẫn là cơ sở sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm được phân phối qua đại lý và bán lẻ tại gia đình.

Về chất lượng, theo đánh giá mới đây của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) thì nhiều loại nước uống đóng chai lưu thông trên thị trường có chất lượng nước đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ. Quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan này phát hiện nhiều sai phạm về nhãn mác, nhập nhèm tên gọi nước khoáng và nước tinh khiết; thông tin về thành phần, chỉ tiêu chất lượng không minh bạch. Tất cả như tạo nên một "ma trận" với người tiêu dùng.

Nước uống không sạch có thể gây bệnh cho con người. Điều đó có lẽ ai cũng biết. Nhưng làm sao để phân biệt đâu là nước sạch thực sự, đâu là nước nhiễm vi sinh vật gây bệnh bằng mắt thường? Lấy ví dụ về mặt kỹ thuật, cũng là máy khử khuẩn bằng tia cực tím, nhưng nếu là thiết bị không chuẩn, sẽ không thể diệt được vi khuẩn có trong nước, thậm chí khi sử dụng nước chạy qua máy như vậy có thể còn gây bệnh. Chưa kể đến hàm lượng các chất độc hại có trong nước không được lọc triệt để, như thủy ngân, chì, sắt... vốn là những chất độc có thể gây ung thư và chỉ có thiết bị chuyên dụng mới nhận biết được.

Như vậy, không đơn giản để người tiêu dùng nhận biết được những mối nguy hiểm này. Với thực trạng thị trường vô vàn các loại nước đóng chai, đóng bình có tên gọi thoạt nghe tưởng như rất sạch, được công bố tiêu chuẩn chất lượng, quảng cáo sản xuất trên thiết bị tự động, siêu lọc, tiệt trùng bằng tia cực tím... thì việc nhận biết chúng có sạch thực sự hay không chỉ có thể là cơ quan chuyên môn.

Đến lúc, cơ quan chức năng cần có những hành động cụ thể để đánh giá đúng thực trạng về chất lượng và thị trường kinh doanh loại đồ uống này. Cần coi nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá là loại thực phẩm có nguy cơ cao đối với sức khỏe người dân, nhằm quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt điều kiện vệ sinh an toàn; có biện pháp quản lý chặt chẽ từ khâu khai thác đến khâu tiêu thụ, đưa ra các thông tin cảnh báo rõ ràng, minh bạch với người tiêu dùng.

Nói cách khác là phải có sự mạnh tay hơn nữa của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền trong việc giám sát chất lượng, tăng cường kiểm tra, khắc phục tồn tại của các cơ sở vi phạm. Tiêu chuẩn về an toàn phải xem là tiêu chí đạo đức của nhà sản xuất, là trách nhiệm của nhà quản lý đối với cộng đồng. Chỉ khi "màng lọc" quản lý thật sự hữu hiệu thì thị trường nước uống đóng chai, nước đá mới hy vọng không còn vẩn đục. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Màng lọc" hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.